Khởi tố vụ sạt lở ở Đà Lạt: Xử nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm

Admin

TP - Chỉ trong 1 ngày, ngoài vụ sạt lở ta luy kinh hoàng ở hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, còn xảy ra hàng chục vụ sạt lở, ngập lụt khác, như sự cảnh báo cho việc phá vỡ quy hoạch đô thị, buông lỏng quản lý xây dựng nhà cửa… Công an TP Đà Lạt vừa khởi tố vụ án để điều tra làm rõ những sai phạm trong vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng này.

Khởi tố vụ sạt lở ở Đà Lạt: Xử nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm ảnh 1
Ngôi nhà bị xô nghiêng.

Bờ ta luy sừng sững đổ sụp

Ngày 2/7, lực lượng chức năng của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng vẫn bám trụ ở hiện trường vụ sạt lở tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám (phường 10) để giám sát việc đánh sập đoạn ta luy cuối cùng còn cheo leo trên miệng vực. Sau khi xe cơ giới múc bớt đất phía trong ta luy là đến công đoạn chủ động đánh sập 15m ta luy còn lại. “Đoạn ta luy này đã xuất hiện một số vết nứt trên bề mặt đất đắp tại đỉnh ta luy, có nguy cơ tiếp tục gây sạt trượt. Nếu để nằm cheo leo như thế sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, do đó phải chủ động đánh sập”, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Đặng Quang Tú nói.

Trước đó, sau cơn mưa lớn kéo dài từ đêm 28/6 đến 2h sáng 29/6, ta luy bằng bê tông cao hàng chục mét tại hẻm 15/2 Yên Thế sụt, kéo theo lượng đất đá khổng lồ đổ ụp xuống thung lũng thuộc hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám. Hậu quả, một căn nhà kiên cố biến thành đống đổ nát, 3 căn khác bị hư hỏng nặng, nhiều căn nhà gần đó bị ảnh hưởng. Đôi vợ chồng đang ngủ trong lán trại bị vùi lấp tử vong. Hai người khác bị kẹt trong ngôi nhà đã bị xô nghiêng may mắn được lực lượng chức năng giải cứu thành công, đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 1/7, sau cuộc “hội chẩn” của các sở ngành tỉnh Lâm Đồng, lực lượng chức năng chủ động làm sập một đoạn ta luy tiếp giáp với ta luy bị sập vào 2 ngày trước. Đoạn ta luy này kéo theo lượng đất đá nặng hàng chục tấn đổ xuống phía dưới với lực rất mạnh, bụi đá bắn lên tung tóe, trượt xa nhiều mét, “vò” nát 1 ngôi nhà vốn đã bị hư hỏng nặng sau cơn “địa chấn” ngày 29/6.

Ngoài vụ việc kể trên, thời điểm đó còn xảy ra hàng loạt vụ ngập lụt, sạt lở khác ở Đà Lạt và các huyện lân cận. Trên đường Đặng Thái Thân (phường 3) xảy ra 2 vụ sập bờ ta luy đá, gây lấp đường, ảnh hưởng 3 căn nhà. Tại phường 4, một bờ ta luy bị sạt lở gây sập tường và công trình phụ 2 căn nhà cấp 4. Trên đường Thi Sách (phường 6), một bờ ta luy cao 5m, dài 15m, cũng đổ sập. Tại phường 11 cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ ta luy gây sập vách, làm hư hỏng 3 căn nhà. UBND các phường đã bố trí lực lượng di dời toàn bộ người và tài sản trong các ngôi nhà này ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ở huyện Đức Trọng, nước dâng cao làm ngập nhà ở thôn Kim Phát và khoảng 100m đường thuộc quốc lộ 27 (đoạn qua xã Bình Thạnh). Ở huyện Lâm Hà, mưa lớn làm nước sông Cam Ly dâng cao gây ngập một số khu vực trũng thấp ven sông tại các xã Đông Thanh, Gia Lâm và thị trấn Nam Ban với độ sâu khoảng 1m. Lực lượng cứu hộ đã di dời 4 đứa trẻ đến nơi an toàn.

Đô thị hóa thiếu kiểm soát

Theo PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng), trước đây người Pháp quy hoạch Đà Lạt rất bài bản, việc quản lý xây dựng, kiểm soát khai thác hồ nước, rừng thông rất chặt chẽ. Các đồ án quy hoạch đều nhất quán về ý tưởng xây dựng Đà Lạt là thành phố trong rừng và rừng trong thành phố. Thế nhưng, sau đó rừng thông nội ô ngày càng thưa thớt, mật độ bê tông hóa ngày càng tăng, đến mức thiếu kiểm soát. Vì san lấp mặt bằng tràn lan, xây dựng công trình trên nền đất yếu nên xảy ra nhiều sự cố.

Sớm có mặt tại hiện trường để xem xét thực địa, nghe báo cáo về vụ sạt lở nghiêm trọng, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bước đầu nhận định việc thi công ta luy không đúng theo bản vẽ thiết kế được duyệt và không đúng với quy định số 41 của tỉnh. Theo quy định, bờ ta luy chỉ được xây chiều cao 4m, nhưng ta luy này cao khoảng 10m. Mặt khác, chủ đầu tư đổ 2.100m3 đất ở nơi có bờ kè tường bê tông vây quanh tạo thành cái phễu hứng nước, trong khi các lỗ thoát nước rất nhỏ. Khi mưa lớn kéo dài thì nước xô đổ ta luy là chuyện khó tránh.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư TPHCM nhận định: “Sự tăng cường xây dựng và phát triển không kiểm soát, đặc biệt là trên các khu vực dốc và đất yếu, gây ra sự suy giảm đáng kể về sức chứa của đất và làm gia tăng nguy cơ sạt lở”. Ông nói: “Nhiều hồ với công năng điều tiết nước và điều hòa khí hậu ở TP Đà Lạt đã biến mất hoặc bị bồi lắng nghiêm trọng; nhiều đoạn khe, suối bị lấn chiếm để xây dựng nhà cửa gây tắc nghẽn dòng chảy nước, tạo điều kiện cho ngập úng và sạt lở xảy ra. Mặt khác, hệ thống nhà kính dày đặc nên những khi mưa lớn, nước không thể thấm xuống đất mà đổ dồn xuống suối nên không thoát kịp gây ngập lụt cục bộ”.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, phải xem xét lại một cách kỹ lưỡng và thận trọng việc quản lý đô thị Đà Lạt, trong đó phải cân nhắc và có quy định riêng trong việc cấp phép xây dựng ở những vị trí có khả năng sạt trượt cao. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá tất cả những vị trí, kể cả khu dân cư mới để giảm tải nơi nền đất yếu, cấu tạo địa chất phức tạp.

Triệu tập khoảng 20 người để điều tra

Sau khi khám nghiệm hiện trường, thu thập các tài liệu về cấp phép xây dựng, khảo sát, thiết kế, thẩm định, giám sát và thi công bờ ta luy nói trên, Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án để điều tra vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Ba ngày qua, đơn vị đã triệu tập khoảng 20 người để điều tra làm rõ những sai phạm dẫn đến sự cố nghiêm trọng này. Lãnh đạo Công an TP Đà Lạt nhấn mạnh, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra tiếp tục củng hồ sơ tiếp tục xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo ông Trần Văn Hiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vụ việc này. Còn đối với địa phương, sự cố trên là lời cảnh báo cho người dân, bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và trật tự xây dựng. Ngay trong ngày xảy ra vụ sạt ta luy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND TP Đà Lạt tạm đình chỉ công tác Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cán bộ này và tập thể, cá nhân liên quan trong việc cấp phép và kiểm tra giám sát xây dựng tại khu vực sạt lở.

Khởi tố vụ án, triệu tập 20 người liên quan vụ sạt lở ta luy tại Đà Lạt
Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp
Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp
Vụ sạt lở ở Đà Lạt: Yêu cầu cán bộ liên quan không rời khỏi thành phố
Vụ sạt lở ở Đà Lạt: Yêu cầu cán bộ liên quan không rời khỏi thành phố