Phóng viên Tiền Lê chụp ảnh bên ngọn của cây gỗ lớn trong rừng Ia Pa |
Bước ngoặt
Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế), cơ duyên đã đưa tôi đến làm cộng tác cho Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại khu vực Tây Nguyên. Mới đó mà đã hơn 7 năm được làm việc dưới mái nhà Tiền Phong. Những lãnh đạo, anh chị đồng nghiệp trong cơ quan đã giúp tôi ngày một trưởng thành.
Hơn 3 năm trước, nhà báo Đình Thắng (Trưởng Ban Kinh tế) được Ban Biên tập báo giao nhiệm vụ kiêm phụ trách Ban Đại diện khu vực Tây Nguyên. Bước ngoặt làm báo của tôi thay đổi lớn từ đây. Từ những kinh nghiệm của mình, nhà báo Đình Thắng hướng dẫn anh em trong văn phòng thay đổi tư duy và tiếp cận cách làm báo hiện đại. Tôi nhớ nhất câu nói của anh: “Phải đặt mình vào vị trí bạn đọc. Hãy nói lên tiếng nói của người dân. Đừng để bút danh của mình nhạt nhòa dưới mỗi bài báo”. Cũng từ đây, được Ban Biên tập đồng ý, bên cạnh những tuyến bài phản ánh tiêu cực, tôi đã hướng tới những số phận con người hơn. Một hoạt động đã trở nên thân thuộc với tôi là làm cầu nối xây dựng nhiều mô hình sinh kế giữa Tỉnh Đoàn Gia Lai và các nhà hảo tâm để giúp các học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa.
Làm được việc thiện là điều ấm áp, vinh dự như viết được tác phẩm báo chí hay, ý nghĩa. Thế nhưng, mấy ai biết rằng, để cho “ra lò” những bài viết đặc sắc đó, có lúc tôi còn phải đối mặt với hiểm nguy.
Loạt bài “Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu?” cùng các đồng nghiệp (Giải C Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2021) đã để lại trong tôi kỷ niệm sâu sắc. Khi ấy, nhà báo Đình Thắng giao một “biệt đội” sẽ vào lõi rừng, theo dấu chân lâm tặc và một nhóm khác tiếp cận nguồn gỗ đã “biến” thành nội thất, nhà gỗ lớn tại cơ quan công quyền, nhà quan chức... Yêu cầu đặt ra là phải nắm được nguyên lý hoạt động của kẻ phá rừng, hiểu được đường đi của gỗ về nơi sản xuất. Tuy vậy, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu.
“Cứ vào tầm mùa hè các năm, tôi lại đi vận động các nhà hảo tâm để phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Gia Lai đến với các em nhỏ mồ côi, gia đình khó khăn vùng sâu, vùng xa để kết nối, sẻ chia hỗ trợ sinh kế. Đó cũng là một cách bảo vệ rừng”.
Và, tôi đã lần theo nguồn tin về vụ khai thác lâm sản ở vùng giáp ranh giữa 2 huyện Ia Pa và Krông Chro. Trên chiếc xe máy cũ, tôi chạy một mạch vượt hơn trăm cây số xuống điểm nóng này. Đường vào rừng gian nan. Đi từ mờ sáng, mãi đến trưa mới được nửa đường. Khi đến cánh rừng giáp ranh 2 huyện, dù mệt nhoài, người dẫn đường và tôi ăn nốt số cơm nguội mang theo. Đêm buông xuống, giữa mịt mùng sương núi, cột võng giữa cánh rừng bạt ngàn, chỉ có tiếng côn trùng kêu. Mờ sáng, tôi với người dẫn đường tới khu vực rừng bị phá. Cảnh tượng tan hoang: Cánh rừng bị những đường xương cá đi ngang, bổ dọc để lấy gỗ. La liệt các thân gỗ sơn huyết, dổi đường kính từ 30-80cm bị đốn hạ. Vụ việc sau đó được được cơ quan chức năng thống kê, xác định có gần 50 thân gỗ bị đốn hạ thuộc cánh rừng của xã xã Ia Tul, huyện Ia Pa quản lý.
“Chú viết về anh nhiều nhỉ?”