Kiến tạo hệ sinh thái từ các FTA để thích ứng với thương chiến và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ

Admin

Vận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong chiến lược sản xuất, tối ưu hoá chiến lược tìm nguồn cung đầu vào và đảm bảo đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm nâng cao tính cạnh tranh để thích ứng với chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ…

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài – tháng 4/2025, với chủ đề “Chủ động thích ứng với chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Vai trò của hệ thống xúc tiến thương mại và Thương vụ trong bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu” diễn ra chiều 28/4, các tham tán thương mại tại nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada… đã cập nhật tình hình và phân tích tác động của chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ.

THÁCH THỨC VỚI XUẤT KHẨU NHIỀU HƠN CƠ HỘI

Theo số liệu thống kê, quý 1/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD tăng 21%, điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương mang tính bổ trợ giữa 2 nước, không cạnh tranh trực tiếp.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Hoa Kỳ cho rằng việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế cao (thuế đối ứng 46%) sẽ ảnh hưởng đến ngành điện tử của Việt Nam, bao gồm các nhà sản xuất lớn như Samsung, Intel và LG - là các tập đoàn đóng góp quan trọng vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Như: làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.

Các ngành dệt may, giày dép sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Mức thuế đối ứng cao làm tăng giá cả tại thị trường Hoa Kỳ, dẫn đến giảm đơn hàng từ các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn của Hoa Kỳ như Nikes và Adidas. Suy giảm nhu cầu có thể dẫn đến cắt giảm sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Ngoài ra, các ngành xuất khẩu đáng chú ý khác gồm: nội thất, thuỷ sản cũng được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng cao, do chi phí tăng, khả năng cạnh tranh giảm trên thị trường Hoa Kỳ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Hoa Kỳ. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Hoa Kỳ.

Còn với thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada cho rằng thách thức nhiều hơn cơ hội đối với xuất khẩu Việt Nam vào Canada năm 2025. Bởi nhiều năm nay Canada đã cố gắng duy trì chính sách tỷ giá thấp so với đồng USD để thúc đẩy xuất khẩu. Chiến tranh thuế quan đã đẩy đồng CAD (đô la Canada) lao dốc hơn nữa, hiện dao động quanh mức 0,70 và làm hàng Việt Nam trở nên đắt đỏ lên ít nhất là 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Quỳnh, việc đồng CAD mất giá sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào địa bàn trong những tháng cuối năm nhất là trong bối cảnh người dân Canada thắt chặt chi tiêu.

Ngoài những điểm yếu của sản xuất Việt Nam như: kém cạnh tranh về giá và chi phí logistics, vận tải cao để sang đến thị trường Canada, năng lực sản xuất tới hạn… việc phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ để vào thị trường Canada cũng đang là mối nguy cho hàng hoá Việt Nam.

Bà Quỳnh cho biết Canada và Hoa Kỳ có sự liên thông chặt chẽ với quyết định mua hàng phần lớn do chủ chuỗi kinh doanh đặt ở Hoa Kỳ quyết định. Hiện nay, cứ 4/10 USD hàng Việt Nam nhập khẩu vào Canada là qua Hoa Kỳ.

“Khó khăn nằm ở chỗ liệu có các nhà nhập khẩu Canada nào đủ mạnh và đủ quan tâm để thay thế Hoa Kỳ đứng ra nhập khẩu 4 tỷ USD hàng hoá này, nhất là trong bối cảnh các nhà nhập khẩu Canada bị tác động bởi sự bất định của không chỉ thuế quan, mà cả tình hình nội trị Canada đều không muốn mở rộng kinh doanh hoặc ký kết các hợp đồng lâu dài với các đối tác mới, nhất là trong khả năng Việt Nam vẫn ở trong nhóm có nguy cơ chịu thuế cao từ Hoa Kỳ”, bà Quỳnh nêu thực tế.

Kể cả khi có sự quan tâm, thời gian dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian do đòi hỏi những nền tảng hạ tầng logistics, vận tải mới. Các diễn biến gần đây ở Hoa Kỳ (áp thuế quan lên tất cả các nước…), chắc chắn sẽ làm tăng thời gian thông quan biên giới và làm hàng hoá Việt Nam vào Canada bị chậm lại, thậm chí gián đoạn, từ đó có nguy cơ bị thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh trong khu vực Nam Mỹ.

Không chỉ vậy, Canada đã khởi động tham vấn về sự cần thiết có thêm các biện pháp thương mại để bảo vệ chống lại mối đe dọa chuyển hướng các sản phẩm thép từ các nước thứ ba vào thị trường Canada do các biện pháp thương mại gần đây của Hoa Kỳ. Không loại trừ, Canada sẽ mở rộng các biện pháp thương mại cần thiết đối với tất cả các lĩnh vực mặt hàng khác nhằm đối phó với tình trạng chuyển hướng xuất khẩu từ Trung Quốc qua nước thứ ba vào thị trường Canada.

"TRONG NGUY CÓ CƠ"

Trước những thách thức xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, ông Hưng cho rằng Chính phủ cần tăng cường nỗ lực ngoại giao, các cuộc đàm phán để vận động xử lý vấn đề thuế đối ứng. Tiếp tục triển khai lộ trình cụ thể để Việt Nam bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế quan tiềm tàng từ chính quyền Trump.

Đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong quan hệ song phương giữa hai nước, từ công nghiệp, đến thương mại, đầu tư, năng lượng, trí tuệ nhân tạo…

Cùng với đó, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thông qua các FTA nhất là các FTA thế hệ mới. Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh; nâng cấp công nghệ, khuyến khích đổi mới, đơn giản hoá các quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với thị trường Canada, bà Quỳnh cho rằng sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng Bắc Mỹ vào thị trường Hoa Kỳ đang đặt ra cho các doanh nghiệp, Hiệp hội và Thương vụ trước một nhiệm vụ cấp thiết là phải có các giải pháp ứng phó để đảm bảo khoảng 4 tỷ USD hàng hoá phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ để vào Canada tiếp tục đến được thị trường Canada, nhanh chóng nắm bắt khoảng trống thị trường.

Theo bà Quỳnh, tính liên thông giữa thị trường Canada và Hoa Kỳ đã không còn đúng trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá ở Hoa Kỳ không có nghĩa là sẽ tự động mở được cánh cửa của thị trường Canada.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada. Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada.

“Trong nguy có cơ, đây chính là thời điểm để các nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ, trung gian thương mại của hai nước không chỉ dịch chuyển chuỗi cung ứng, mà còn dịch chuyển cả chuỗi sản xuất, đầu tư, công nghệ, thương hiệu và phát triển những nền tảng hạ tầng logistics, vận tải mới, kiến tạo hệ sinh thái Hiệp định CPTPP”, bà Quỳnh nhận định.

Song để hỗ trợ thiết thực và có cơ sở cho các quyết định chuyển dịch của doanh nghiệp và Hiệp hội về dài hạn, bà Quỳnh kiến nghị cần có sự tham gia vào cuộc và phối hợp hỗ trợ thông tin của nhiều cơ quan.

Cụ thể, Cục thuế cần phân tích các mức thuế Hoa Kỳ sẽ áp dụng với mỗi nước theo từng mã HS, bao gồm cả các thuế trước đó (MFN – thuế tối huệ quốc + CVD- thuế chống trợ cấp), đặc biệt cung cấp được mức thuế cộng gộp cuối cùng với từng mặt hàng của Trung Quốc để có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác.

Cục Hải quan hỗ trợ thông tin về danh mục các doanh nghiệp nhập khẩu của từng thị trường đã nhập hàng Việt Nam từ 10 năm gần đây, phối hợp tính giá trị xuất khẩu trung chuyển, điểm đến cuối cùng của hàng Việt Nam để có cơ sở triển khai các biện pháp xúc tiến phù hợp, đẩy mạnh công tác hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng các ưu đãi xuất xứ.

Cục đầu tư nước ngoài hỗ trợ thông tin về danh mục các nhà đầu tư nước ngoài của từng nước vào Việt Nam theo ngành nghề để có hướng vận động, kết nối phù hợp theo định hướng tăng cường liên kết.

Bà Quỳnh chia sẻ thêm, nỗ lực của Thương vụ trong bối cảnh hiện nay là đặt trọng tâm vào việc vận động chuyên gia, dự án phát triển công cụ hỗ trợ phân loại mã HS và xác định xuất xứ và công cụ tính toán xuất xứ đầu vào trong sản xuất thoả mãn các FTA.