Mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp |
Ngày 23/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 27 (đoạn Km176 - Km 206+523) qua địa bàn huyện Đơn Dương, từ tiêu chuẩn cấp IV lên cấp III.
Theo Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, đây là tuyến đường huyết mạch, quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đơn Dương nói riêng, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận nói chung.
Cụ thể, tuyến đường này kết nối vận tải, giao thương hàng hóa, nông sản của Lâm Đồng với Ninh Thuận, Khánh Hòa, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên (theo tuyến quốc lộ 1A) và các tỉnh Đồng Nai, TPHCM (theo tuyến quốc lộ 20).
Đơn Dương là vùng sản xuất rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung; sản lượng nông sản đạt gần 1 triệu tấn/năm; lưu lượng phương tiện hàng hóa lưu thông trên 1.000 xe/ngày đêm. Trong khi với tiêu chuẩn đường cấp IV, hiện tuyến quốc lộ 27 (đoạn từ Km176 - Km 206+523) chỉ có bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 7m.
Những năm gần đây, cùng với nhịp độ phát triển của huyện Đơn Dương, lưu lượng giao thông trên tuyến đường này ngày càng tăng khiến cho nhiều đoạn tuyến xuống cấp, hư hỏng. Mặt khác, trên tuyến đường này xuất hiện tình trạng ùn tắc và tiềm ẩn tai nạn giao thông do mật độ phương tiện lưu thông lớn.
Cũng theo UBND tỉnh Lâm Đồng, theo định hướng Quy hoạch mạng lưới đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến quốc lộ 27 (đoạn từ Km176 - Km 206+523) được nâng cấp, mở rộng từ 2 - 4 làn xe, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
Việc sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch được duyệt là rất cần thiết nhằm nâng cao năng lực khai thác của tuyến đường, đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực để huyện Đơn Dương phát triển kinh tế - xã hội.
Giao thông thuận lợi sẽ góp phần làm cho Đơn Dương hoàn thành nhiệm vụ đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hữu cơ vào năm 2025.
Mặt khác, huyện Đơn Dương đã vận động nhân dân tự giác tháo dỡ nhà ở, vật kiến trúc hoàn trả lộ giới và hành lang an toàn đường bộ (hiện đã hoàn thành trên 90%).
Điều này sẽ tạo thuận lợi trong triển khai đầu tư mở rộng tuyến đường, giảm thiểu chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời sử dụng quỹ đất dành cho đường bộ hiệu quả, tránh tái lấn chiếm.