Làm rõ điểm nghẽn cản trở chứng khoán Việt Nam nâng hạng

Admin

TPO - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhiều lần lỡ hẹn với mục tiêu nâng hạng. Các ngân hàng lưu ký nước ngoài đã chỉ ra nhiều điểm nghẽn trong tiến trình nâng hạng của Việt Nam là yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán.

Đây là thông tin được lãnh đạo Hiệp hội các Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA) chia sẻ tại cuộc gặp song phương với Đoàn công tác Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO).

Làm rõ điểm nghẽn cản trở chứng khoán Việt Nam nâng hạng ảnh 1
Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Tổng giám đốc ASIFMA trao đổi thông tin tại buổi gặp.

Chia sẻ tại buổi gặp, bà Alice Law - Tổng Giám đốc ASIFMA - cho biết, các thành viên của ASIFMA rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như dự báo về tiềm năng tăng trưởng cao của hoạt động dịch vụ và đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Để khai mở và thúc đẩy tiềm năng này, việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là vấn đề Việt Nam cần được đặt lên hàng đầu”, Tổng Giám đốc ASIFMA nhấn mạnh.

Theo thông tin từ bà Alice Law, các thành viên ASIFMA đang đầu tư, cung cấp dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần chạm mức thị trường mới nổi. Tuy nhiên, một điểm nghẽn mà các ngân hàng lưu ký nước ngoài mong mỏi có được giải pháp căn cơ, là yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán.

“Các ngân hàng lưu ký thành viên của ASIFMA cho rằng, nên có cơ chế riêng đối với hoạt động bảo lãnh thanh toán cho các giao dịch chứng khoán hoặc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch chứng khoán”, bà Alice Law nói.

Tại buổi gặp, hai bên thống nhất sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức một buổi tọa đàm Việt Nam vào tháng 8/2023 tại Hong Kong nhân dịp UBCKNN sang làm việc với tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương khẳng định sẵn sàng lắng nghe, trao đổi và sẽ nỗ lực đáp ứng cao nhất trong khả năng thẩm quyền đối với các ý kiến của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả ASIFMA,

Tháng 3/2023, Tổ chức FTSE Russell đã chính thức công bố Báo cáo Phân loại thị trường chứng khoán mới nhất, theo đó, vẫn giữ nguyên Việt Nam ở nhóm thị trường cận biên và tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 kể từ tháng 9/2018.

FTSE Russell bày tỏ lo ngại trước sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải tổ thị trường của Việt Nam. "Trước tháng 9/2023, nếu thông tin về việc cải tổ vẫn chưa rõ ràng hoặc lộ trình thực hiện bị kéo dài, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng", FTSE Russell cho biết.

Hồi tháng 3, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng 8/17 tiêu chí nâng hạng của MSCI và 7/9 điều kiện của FTSE. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Lộ diện các doanh nghiệp sắp tăng vốn ‘khủng’
Cổ phiếu nhà Cường ‘đô la’ bị xả mạnh
Cổ phiếu nhà Cường ‘đô la’ bị xả mạnh
Nhà đầu tư tháo chạy khỏi QCG, cổ phiếu ‘nằm sàn’ la liệt
Nhà đầu tư tháo chạy khỏi QCG, cổ phiếu ‘nằm sàn’ la liệt