Liên tiếp đón quy hoạch giúp quận lớn bậc nhất Đà Nẵng trở thành ‘đầu tàu’ kinh tế của khu vực

Admin

Được xác định là cực tăng trưởng quan trọng trong định hướng phát triển đa cực giảm phụ thuộc vào du lịch của Đà Nẵng, Quận Liên Chiểu đang nhận được nhiều sự quan tâm. Đây cũng là quận duy nhất của thành phố đảm bảo đủ các điều kiện để triển khai nhiều dự án trọng điểm khu Thương mại tự do và Cảng nước sâu Liên Chiểu, sẵn sàng đưa khu vực bứt phá đúng tiềm năng, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Liên Chiểu trong bức tranh phát triển đa cực của Đà Nẵng

Là một trong những quận trung tâm có diện tích lớn nhất trong 6 quận của Đà Nẵng, Liên Chiểu có lợi thế du lịch với bờ biển dài 26km cùng nhiều bãi tắm tự nhiên đẹp như Nam Ô, Xuân Thiều hay Bắc Ninh và bờ biển uốn lượn chạy vòng cung ôm dọc theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành.

Tuy nhiên, trong mục tiêu phát triển đô thị theo hướng từ mô hình đơn cực sang đa cực để giảm phụ thuộc kinh tế vào du lịch - dịch vụ của Đà Nẵng, Liên Chiểu đã tận dụng vị thế cửa ngõ giao thông thuận lợi, giáp biển và tập trung các khu công nghiệp lớn để chuyển mình trở thành quận kinh tế công nghiệp trọng điểm của khu vực có thể phát triển cả 3 mũi nhọn: Công nghiệp, Cảng biển và Du lịch.

Cảng biển và Logistics: Theo đó, dự án Cảng Liên Chiểu đang được triển khai tại đây được xếp vào cảng nước sâu loại I; là 1 trong 3 cảng lớn nhất của cả nước và là cảng quy mô lớn nhất tại khu vực miền Trung. Dự án chính thức khởi công vào tháng 12/2022 với quy mô diện tích 450ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 48.304 tỷ đồng.

Cảng Liên Chiểu được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 có diện tích 44,6 ha, dự kiến hoàn thiện năm 2025, hai giai đoạn còn lại diện tích lần lượt là 106,81ha và 80,7ha và dự kiến hoàn thiện vào các năm 2030, 2050.

Khi hoàn thành xây dựng, cảng Liên Chiểu sẽ trở thành sẽ trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò như cửa ngõ quốc tế tại miền Trung Việt Nam. Điều này giúp thành phố kết nối mạnh mẽ với các tuyến đường thương mại lớn trong khu vực, đặc biệt là hành lang kinh tế Đông – Tây - một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất Đông Nam Á.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, những giá trị lượng hoá được khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động có thể lên tới hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhờ các khoản thu thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng/năm 2030. Thu phí hàng hải, lệ phí ra vào cảng biển khoảng 230 tỷ đồng/năm.

Liên tiếp đón quy hoạch giúp quận lớn bậc nhất Đà Nẵng trở thành ‘đầu tàu’ kinh tế của khu vực ảnh 1

Tính đến tháng 9/2024, dự án Cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng đã hoàn thành khoảng 67% khối lượng thi công, tương đương với giá trị 1.770 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025.

Khu thương mại tự do: Cùng với Cảng Liên Chiểu, khu vực này cũng sắp có thêm khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam. Cụ thể, tháng 6/2024, Quốc hội thông qua nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, theo đó cho phép thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu ở khu vực phía Tây Bắc Đà Nẵng để thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Đáng chú ý, một trong những khu vực dự kiến xây dựng khu thương mại tự do là dự án lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành (chức năng là khu dịch vụ logistics, diện tích khoảng 420 ha). Mục tiêu phát triển đến năm 2030, khu thương mại tự do lấn biển này sẽ đóng góp trực tiếp từ 1-2% GRDP TP Đà Nẵng và thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, tỷ lệ đóng góp dự kiến tăng lên 9,5% GRDP và 90.000 lao động. Đến năm 2050, kỳ vọng khu vực này sẽ chiếm 17,9% GRDP và tạo việc làm cho 127.000 lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Tán Văn Vương, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do sẽ là cơ hội đột phá đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ quốc tế, cực tăng trưởng của du lịch của Việt Nam. Hiện nay chính quyền thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 12/2024.

Liên tiếp đón quy hoạch giúp quận lớn bậc nhất Đà Nẵng trở thành ‘đầu tàu’ kinh tế của khu vực ảnh 2

Khảo sát khu vực dự kiến lấn biển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công nghiệp công nghệ cao: Không chỉ chờ đợi những công trình trọng điểm như cảng Liên Chiểu, khu thương mại tự do, hiện nay Liên Chiểu cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trong đó, Khu công nghiệp Liên Chiểu với quy mô gần 290 ha được xem là một trong các khu công nghiệp lớn và quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra loạt khu công nghiệp ở phía Tây Bắc Đà Nẵng như Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, Khu công nghiệp Hòa Cầm…đang góp phần đưa khu vực Tây Bắc trở thành “thung lũng silicon” của Đà Nẵng với các trụ cột gồm Công nghiệp – Công nghệ cao, Kinh tế biển.

Thị trường bất động sản sẵn sàng tăng nhiệt

Theo đánh giá của giới chuyên gia, khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng ra đời sẽ gắn chặt cơ cấu với cảng Liên Chiểu, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và các khu công nghiệp. Hướng tới thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp; cung cấp các dịch vụ logistics…nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc hoàn thiện hiệu quả nhất về hạ tầng, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không. Từ đó, chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống.

Những chỉ dấu tích cực của việc phát triển toàn diện du lịch, công nghiệp, hình thành khu thương mại tự do và cảng Liên Chiểu đang tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản khu vực quận Liên Chiểu bứt tốc tăng trưởng, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư với những sản phẩm ở thực và khai thác dòng tiền, phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của khu vực.

“Khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng có liên quan mật thiết đến cảng Liên Chiểu và sự phát triển thị trường bất động sản khu Tây Bắc Đà Nẵng”, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.

Bất động sản Đà Nẵng tăng trưởng mạnh trở lại

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường Đà Nẵng tăng trưởng tích cực trong 9 tháng qua. Riêng phân khúc căn hộ, mặt bằng giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng với hơn 50% nguồn cung mới có giá trên 80 triệu đồng/m2, tỷ lệ tiêu thụ cao tại nhiều dự án như The Ori Garden, FPT Plaza 3, Sun Cosmo Residence, Sun Ponte Residence...Dự báo, thị trường Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục gia tăng nguồn cung giai đoạn cuối năm.