Mất trật tự ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quy hoạch Tp.HCM cần làm gì?

Admin

Tình trạng nhếch nhác, lộn xộn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đã đặt ra cho Tp.HCM vấn đề quản lý trật tự đô thị với các không gian công cộng.

Phố đi bộ hay phố hàng rong?

Ghi nhận của Người Đưa Tin vào tối cuối tuần đầu tháng 7/2023, chị Đặng Lan Khánh Chi, ngụ quận 1, Tp.HCM phàn nàn: “Phố đi bộ Nguyễn Huệ đẹp như vậy, lung linh như vậy, nhưng thật tiếc khi gần đây vào buổi tối hàng rong xuất hiện quá nhiều, xả rác tràn lan. Nếu cứ để như vậy thì phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ biến thành phố hàng rong”.

Theo người dân địa phương tại phường Bến Nghé, khi phố đi bộ Nguyễn Huệ mới được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2015, nơi đây đã có tình trạng bán hàng rong, nhưng số lượng không nhiều, vài người xách theo giỏ đựng vài ba chai nước, vài gói trái cây cắt sẵn, lén bán trên phố.

Hiện nay, vào các tối cuối tuần, cả tuyến phố xuất hiện hàng chục điểm bán đồ ăn uống tự phát, từ bánh tráng trộn, bắp xào, bánh tráng nướng, mực nướng, trứng cút, trái cây, đến các loại nước giải khát, thậm chí bán cả bia. Những người bán sử dụng thùng xốp đặt trên giá có bánh xe và đẩy đi bán hàng trên phố đi bộ.

“Thi thoảng có nhân viên trật tự thổi còi xua đuổi, họ đẩy vào vỉa hè ở hai bên đường, chừng vài phút sau lại đẩy ra bán tiếp. Người bán hàng rong, xe đẩy còn mang theo cả những tấm bạt nhỏ để khách hàng ngồi ăn uống ngay giữa phố đi bộ. Khi khách hàng ăn uống xong đứng dậy đi, người bán gạt rác ra mặt đường, cuộn tấm bạt lại để khi có khách khác lại bày ra”, anh Nguyễn Văn Đạt, ngụ quận 1 nói.

Chị Nguyễn Thúy Trinh, ngụ quận 3 bức xúc: “Tôi không hiểu ban quản lý phố đi bộ ở đâu mà để đường phố mất trật tự và mất vệ sinh như vậy. Rác xả khắp nơi, các thùng rác đều đầy tràn và bốc mùi. Tôi đưa vài người bạn nước ngoài đi dạo phố tại đây, mà thấy ngượng quá”.

Dân sinh - Mất trật tự ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quy hoạch Tp.HCM cần làm gì?

Lực lượng quản lý trật tự đô thị "bất lực" trước tình trạng bán hàng rong tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Trao đổi với Người Đưa Tin ngày 7/7, ông Nguyễn Viết Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng do Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng) chịu trách nhiệm quản lý; UBND quận 1 và UBND phường Bến Nghé là đơn vị phối hợp xử lý tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các trường hợp taxi, xích lô, hàng rong chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách tại một số tuyến đường như: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, xung quanh khách sạn New World, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, trung tâm thương mại Diamond, chợ Bến Thành,…

Thống kê từ Đội Trật tự đô thị quận 1 cho thấy, đơn vị đã kiểm tra và lập biên bản gần 1.000 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; đề xuất xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, tạm giữ 13.600 vật dụng, phương tiện các loại.

Riêng trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng, UBND phường Bến Nghé đã xử lý vi phạm hành chính 271 trường hợp buôn bán hàng rong, đỗ xe trái phép với tổng số tiền phạt hơn 300 triệu đồng; xử lý 212 xe máy vắng chủ, kéo di dời 25 ôtô đỗ trái phép và tạm giữ hơn 5.800 tang vật dùng bán hàng rong các loại.

Cần chất lượng hơn số lượng

Hiện, Tp.HCM có 4 tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực đang hoạt động gồm đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Kỳ đài Quang Trung (quận 11). Ngoài khu vực quảng trường trên đường Nguyễn Huệ được tổ chức đi bộ toàn thời gian, các khu vực khác tổ chức đi bộ vào khung giờ nhất định dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết hoặc khi có sự kiện đặc biệt.

Trong khi tình trạng mất trật tự, mỹ quan đô thị tại các phố đi bộ hiện hữu chưa giải quyết triệt để thì Tp.HCM đang triển khai quy hoạch thêm nhiều tuyến phố đi bộ ở trung tâm Tp.HCM.

Hồi tháng 7/2022, Sở GTVT Tp.HCM công bố kế hoạch cải tạo các tuyến đường, điều chỉnh giao thông, bãi giữ xe, cảnh quan ở các phố đi bộ sẽ được nâng cấp với hệ thống chiếu sáng, trang trí... 22 tuyến đi bộ sẽ chia thành 7 tiểu khu với đặc trưng riêng, dựa trên các yếu tố về lịch sử, văn hóa, du lịch tại hàng các khu vực như Hồ Con Rùa (quận 3), Nhà thờ Đức Bà (quận 1), đường Đồng Khởi (quận 1), Nhà hát thành phố (quận 1) hay chợ Bến Thành (quận 1).

Thống kê của các cơ quan chức năng tại Tp.HCM chỉ ra, sau 7 năm triển khai, phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút hàng ngàn khách tham quan mỗi ngày, giúp các hộ kinh doanh ở đây tăng 50-70% thu nhập so với trước; giá đất và cho thuê mặt bằng cũng tăng rất nhanh sau khi hoạt động.

Theo một số chuyên gia, phố đi bộ được khởi nguồn từ các nước Châu Âu, mục đích chính là phát triển nền kinh tế địa phương, phát triển cho những hộ kinh doanh ngay trên phố đi bộ. Về du lịch, phố đi bộ giúp thu hút du khách vì sự thông thoáng.

Theo TS.Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Nam Phong, phố đi bộ đúng nghĩa cần phải là một con phố thu hút rất đông người có nhu cầu vào đó, ăn uống, mua sắm, vui chơi...

“Chính quyền địa phương cần quy hoạch một khu đỗ xe, để khách vào con đường đó, phải đỗ xe bên ngoài, rồi đi bộ vào trong phố đó sử dụng dịch vụ. Chính quyền địa phương thực hiện đúng vai trò, để đảm bảo an ninh và không ùn tắc, mới bắt đầu phân luồng để xe không đi qua phố”, ông Vinh nói.

KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM cho rằng, bản sắc văn hóa, phong tục đặc sắc của địa phương góp phần không nhỏ trong thành công của các tuyến phố đi bộ nổi tiếng trên thế giới.

"Ví dụ mình là hành khách, đi đến đâu cũng được người dân tiếp đón nồng hậu, cười nói thân thiện thì chắc chắn sẽ còn quay lại lần sau. Đó là cái khó của thành phố, phải làm sao để cả cộng đồng có văn hóa ứng xử tốt", KTS Khương Văn Mười bày tỏ.

Vì vậy, việc hình thành văn hóa ứng xử ấy là cả một nghệ thuật. Và để tạo dựng được bản sắc này, cơ quan quản lý cần đưa ra những hành lang pháp lý, những quy định chặt chẽ, tác động và điều phối trực tiếp đến các hoạt động tại phố đi bộ.

Bài toán giao thông là quan trọng

Góp ý kiến, GS.TS Phạm Thanh Hiền, Khoa Đô thị và Du lịch, Trường Đại học Quebec (Canada) chia sẻ, quy hoạch phố đi bộ cần phải hài hòa với giao thông và gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử nơi đó. Bài toán về quy hoạch phố đi bộ rất khó, vì tại Việt Nam nói chung hay Tp.HCM nói riêng, số lượng phương tiện cá nhân lớn nhưng phương tiện công cộng còn hạn chế, để phát triển phố đi bộ cần phải giải quyết vấn đề cơ bản là giao thông đi lại.

Ở nước ngoài, phố đi bộ được đặt gần các trạm giao thông công cộng vì du khách thường không có phương tiện cá nhân để di chuyển, phải dựa vào hệ thống giao thông công cộng. Nếu Tp.HCM giải quyết được vấn đề giao thông công cộng xung quanh các phố đi bộ sẽ thu hút được khách du lịch, giảm tải được bãi đỗ xe.

“Nếu không có nhiều bãi đỗ xe ở trung tâm Tp.HCM, quanh phố đi bộ sẽ tạo ra xung đột, khách dễ bị chèo kéo. Việc giải quyết bài toán giao thông đi lại là vấn đề đầu tiên mà Tp.HCM cần giải quyết khi quy hoạch phố đi bộ”, GS.TS Phạm Thanh Hiền nhấn mạnh.