Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ 2: Vất vả thắng kiện cũng như không

Admin

Vất vả hàng chục năm đi kiện án hành chínhh, thắng kiện nhưng cơ quan nhà nước không thi hành theo đúng bản án. Để rồi bản án có hiệu lực chỉ là mốc khởi đầu mới cho chuỗi ngày khiếu nại, kiện cáo tiếp theo của người dân.

Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ 2: Vất vả thắng kiện cũng như không - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Dũng 2 lần thắng kiện và hiện vẫn tiếp tục khiếu nại vụ việc bồi thường đất bị thu hồi - Ảnh: ÁI NHÂN

Cực chẳng đã người dân mới đi kiện cơ quan nhà nước ra tòa. Trải qua bao vất vả, mới thắng kiện án hành chính. Cứ ngỡ rằng rằng bản án được thực thi, khép lại những thiệt thòi. Nhưng thực ra, bản án có hiệu lực chỉ là khởi đầu mới của "con kiến"...

Quyết định mới nội dung cũ

Bà Trần Thị Kiều Nga mua nhà đất số 9/3 đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM), có diện tích hơn 166m2, ở ổn định từ tháng 10-1992. Năm 2012, UBND quận 7 thu hồi toàn bộ nhà đất trên để làm dự án Kênh Tẻ. Quận 7 bồi thường phần diện tích 105,9m2 theo đơn giá đất ở, còn lại hơn 60m2 cho là lấn chiếm rạch nên chỉ hỗ trợ. Không đồng ý, bà Nga ròng rã khởi kiện.

Tháng 9-2020 TAND cấp cao tại TP.HCM ban hành bản án phúc thẩm số 493 nhận định bà Nga sử dụng nhà đất ổn định từ năm 1992, không có căn cứ cho rằng lấn chiếm rạch. Bản án tuyên hủy quyết định của quận 7 và buộc ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung nhà ở, đất ở đối với bà Nga. 

Cứ ngỡ quyền lợi được phục hồi theo bản án nhưng tháng 12-2020 quận 7 ban hành quyết định bồi thường mới đã khiến bà Nga "ngã ngửa". Bởi lẽ quyết định mới vẫn xác định 60m2 là đất lấn chiếm rạch và chỉ được hỗ trợ, không khác gì quyết định cũ bị khởi kiện.

Không đồng ý nên bà Nga khiếu nại quyết định bồi thường mới, đồng thời có đơn tố cáo lãnh đạo UBND quận 7 cố tình ban hành quyết định trên không đúng theo bản án. 

Tuy nhiên tháng 8-2021 UBND quận 7 ra quyết định giải quyết khiếu nại, bác nội dung khiếu nại của bà Nga. Bà Nga tiếp tục có đơn khiếu nại lên chủ tịch UBND TP.HCM và Thanh tra TP chậm giải quyết đơn khiếu nại (gần 14 tháng) lần 2 của bà.

"Đã 12 năm từ khi bị thu hồi đất, 4 năm từ khi có bản án có hiệu lực pháp luật mà tôi vẫn lận đận đi khiếu nại và chờ kết quả giải quyết khiếu nại...", bà Nga bức xúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo quận 7 cho rằng Thanh tra TP đang tham mưu cho chủ tịch UBND TP giải quyết khiếu nại lần 2 của bà Nga đối với quyết định của UBND quận 7. "Khi nào có kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 thì UBND quận 7 sẽ tổ chức thực hiện theo đúng quyết định giải quyết khiếu nại lần 2. Còn hiện tại UBND quận 7 đã thực hiện xong bản án phúc thẩm 493", vị này khẳng định.

Thắng kiện đến 2 lần, nguyên đơn chết rồi bản án vẫn chưa xong

Cũng có đất bị thu hồi năm 2012 như bà Nga nhưng ông Võ Văn Dũng (Thủ Đức, TP.HCM) thì "bi đát" hơn. Bởi ông này có đến 2 bản án phúc thẩm tuyên thắng kiện sau 2 lần trọn vẹn qua các cấp xử án. Và hiện nay ông vẫn còn tiếp tục đi khiếu nại vì cho rằng TP Thủ Đức không bồi thường đất theo đúng án tuyên.

Năm 2012, UBND quận 9 (cũ) thu hồi 1.350m2 đất của cha mẹ ông Dũng để làm dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Trong số đó có 353m2 đất UBND quận 9 cho rằng đất lấn chiếm nên không đền bù. Mẹ ông Dũng khởi kiện. 

Tháng 10-2014 TAND TP.HCM xử phúc thẩm xác định phần diện tích trên được sử dụng ổn định từ năm 1975, không phải lấn chiếm, buộc quận 9 điều chỉnh các quyết định trước đó để bồi thường bổ sung diện tích trên theo loại đất phi nông nghiệp. 

Tuy nhiên, cuối tháng 12-2015 UBND quận 9 lại ra quyết định mới bồi thường bổ sung cho mẹ ông Dũng và diện tích 353m2 lại áp giá đất nông nghiệp.

Khiếu nại, cầu cứu các nơi không có kết quả, mẹ ông Dũng tiếp tục khởi kiện quyết định bồi thường mới của UBND quận 9. Đến tháng 6-2020, TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra bản án tuyên hủy quyết định này, buộc UBND quận 9 bồi thường 353m2 đất loại đất phi nông nghiệp. 

Đến tháng 6-2023 UBND TP Thủ Đức ban hành quyết định bồi thường phần diện tích trên với mục đích đất phi nông nghiệp (căn cứ phương án bồi thường đã phê duyệt năm 2011) với đơn giá bồi thường bằng 60% đơn giá đất ở. 

Không đồng ý đơn giá trên, ông Dũng khiếu nại thì cuối năm 2023 chủ tịch UBND TP Thủ Đức ra quyết định bác khiếu nại nên ông Dũng tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch UBND TP.HCM.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Trí Dũng, trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, thông tin sau khi có quyết định bồi thường mới (tháng 6-2023) Ban bồi thường đã mời ông Dũng nhận tiền, nhưng ông Dũng không đồng ý. Vì vậy số tiền bồi thường trên đã được gửi tại Kho bạc nhà nước TP Thủ Đức. Vì vậy, ông Võ Trí Dũng khẳng định đã thi hành xong bản án.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Dũng không đồng ý với ý kiến của đại diện TP Thủ Đức vì cho rằng theo bản án ghi nhận thì đất của gia đình ông thuộc diện đất phi nông nghiệp sử dụng trước 15-10-1993 không có giấy tờ. Mà đối chiếu phương án bồi thường năm 2011 thì diện tích đó phải được bồi thường 100% theo đơn giá đất ở. 

"Tôi cùng với mẹ tôi khiếu nại, khởi kiện hơn 10 năm nay. Mẹ tôi mất năm 2020, tôi được thừa kế phần đất bồi thường và vẫn tiếp tục đi khiếu nại, không biết đến bao giờ...", ông Dũng nói.

Mãi mới được thi hành án

Ông Phạm Văn Chước bị quận Bình Thạnh thu hồi nhà đất hơn 38m2 (năm 2018) để thực hiện dự án. Không đồng ý việc bồi thường phần lớn diện tích theo loại đất rạch nên ông Chước kiện UBND quận. Bản án sơ thẩm (TAND TP.HCM) và bản án phúc thẩm (cuối năm 2022 của TAND cấp cao) đều tuyên ông Chước thắng kiện, buộc quận Bình Thạnh phải thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định.

Thực hiện bản án, đầu năm 2023 quận Bình Thạnh ban hành quyết định mới bồi thường cho ông Chước. Theo đó, quận tính 28m2 với đơn giá đất ở, còn 10,9 m2 là đất rạch (bằng 30% đơn giá đất ở). Không đồng ý nên ông Chước khiếu nại quyết định trên.

Theo ông Chước, diện tích 10,9m2 trên cũng phải bồi thường theo đơn giá đất ở, theo tinh thần nội dung bản án. Tháng 5-2023 chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ra quyết định giải quyết bác khiếu nại của ông Chước.

Ông Chước lại tiếp tục khiếu nại lần 2 lên chủ tịch UBND TP.HCM. Tháng 4-2024 UBND TP có quyết định giải quyết khiếu nại giao Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh thi hành bản án có hiệu lực, xem xét tính hỗ trợ phần diện tích 10,9m2 theo quy định pháp luật và phán quyết của tòa.

Trả lời Tuổi Trẻ, phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho hay sau khi có quyết định của UBND TP.HCM, quận đã điều chỉnh số tiền bồi thường phù hợp cho ông Chước và ông Chước đã nhận tiền. "Như vậy, bản án phúc thẩm đã được quận thi hành xong", ông Hồ Phương khẳng định.

Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ 2: Vất vả thắng kiện cũng như không - Ảnh 2.Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ 1: Vất vả đáo tụng đình

Người dân vất vả hàng chục năm trời khiếu nại, khởi kiện án hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình. Khi có bản án lại tiếp tục yêu cầu, đốc thúc rồi dài cổ chờ đợi cơ quan nhà nước thi hành án.