Một năm 200.000 người Việt tử vong vì bệnh này nhưng vì sao rất ít người ra nước ngoài chữa?

Admin

TPO - Những năm gần đây rất ít bệnh nhân mắc tim mạch phải ra nước ngoài điều trị dù số mắc bệnh lí tim mạch đang gia tăng nhanh. Các chuyên gia đã đưa ra những lí giải cho vấn đề này.

Ngày 2/11, tại buổi họp báo thông tin về Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27, có chủ đề “Giao thoa tim mạch: Thách thức và cơ hội”, Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, ngoài yếu tố tuổi tác, môi trường, lối sống ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh làm gia tăng các bệnh lí tim mạch. Tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người tử vong vì bệnh này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch thường trực Hội đánh giá, không riêng ở nước ta, trên thế giới, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tắc nghẽn mãn tính... đều có xu hướng tăng. “Trong 10-15 năm qua ngành tim mạch Việt Nam có bước tiến rõ, có khả năng áp dụng gần như tất cả kĩ thuật tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đến nay Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kĩ thuật tiên tiến về bệnh lí tim mạch tương đương các nước có nền y tế hiện đại. Thậm chí, trong can thiệp tim bẩm sinh, thầy thuốc Việt Nam được mời đi nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm, kĩ thuật. Chính vì vậy, tỉ lệ bệnh nhân tim mạch phải ra nước ngoài gần như không có, rất ít", GS Việt khẳng định.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết ngành tim mạch Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, hội nhập được sâu rộng thế giới, đã triển khai ứng dụng được nhiều kĩ thuật tiên tiến có thể sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới. “Tỉ lệ bệnh nhân mắc tim mạch phải ra nước ngoài gần như không còn, rất ít. Đối với bệnh tim bẩm sinh, hiện nay ở nước ta, có tới 80% bệnh nhân không phải can thiệp mổ”, PGS Hùng nói.

Ban Tổ chức cho biết Đại hội diễn ra từ ngày 3-5/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 300 chuyên gia đầu ngành trong khu vực và trên thế giới. Đây là một sự kiện quan trọng, mang tầm quốc tế của chuyên ngành tim mạch nước nhà, là cơ hội cho các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật và bổ sung các kiến thức, kĩ năng chuyên môn.

Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Tim mạch học Việt Nam với hơn 180 phiên khoa học bao gồm gần 800 bài báo cáo. Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như: Can thiệp tim mạch, Siêu âm tim, Điều trị rối loạn nhịp tim … thì năm nay, chương trình Đại hội sẽ có thêm những phiên khoa học đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch châu Âu)…