
TS.BS Nguyễn Tuấn - giám đốc y khoa, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ - báo cáo tham luận - Ảnh: HM
Điều trị đột quỵ - cuộc đua trong “giờ vàng”
Tại hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do báo Tiền Phong phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức ngày 20-4-2025, các chuyên gia đầu ngành thống nhất: Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cần chuẩn hóa mô hình điều trị theo hướng liên chuyên khoa, phản ứng nhanh - đặc biệt là trong “giờ vàng” tính từ khi xuất hiện triệu chứng.
Mô hình này cho thấy hiệu quả tại nhiều đơn vị y tế, trong đó có Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, nơi áp dụng mô hình này từ năm 2017.
Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Tuấn - giám đốc y khoa, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ - nhấn mạnh: “Đột quỵ là cuộc đua với thời gian. Cơ hội phục hồi cao nếu can thiệp trong 4,5 giờ đầu. Tuy nhiên hiện nay nhờ công nghệ chẩn đoán hình ảnh hiện đại, chúng tôi có thể mở rộng khung can thiệp đến 6-24 giờ trong một số trường hợp đặc biệt nếu mô não còn khả năng cứu được”.
Nhận thấy đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, đồng thời cần phối hợp nhiều chuyên khoa khi cấp cứu, Hoàn Mỹ đã thành lập hai đơn vị đột quỵ chuyên sâu và áp dụng quy trình Code Stroke tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hoàn Mỹ Cửu Long để đảm bảo xử lý nhanh nhất mọi ca cấp cứu.
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai quy trình Code Stroke, các ca nghi ngờ đột quỵ đều được xử trí theo mô hình liên chuyên khoa: từ cấp cứu - chẩn đoán hình ảnh - thần kinh - can thiệp mạch cho đến hồi sức tích cực và phục hồi chức năng sớm. Cách tiếp cận này giúp tối ưu thời gian can thiệp, hạn chế di chứng.
Theo BS.CKI Mai Thị Hương Lan - trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, sự chuyển biến về cách tiếp cận này đặc biệt có ý nghĩa với những ca đột quỵ phức tạp, điển hình như trường hợp một cụ bà 95 tuổi được cấp cứu vào tháng trước.
“Người bệnh nhập viện với tình trạng liệt nửa người, không nói được, thang đo đột quỵ NIHSS (đánh giá mức độ trầm trọng do thiếu máu cục bộ) lên tới 24 điểm - thuộc mức độ nặng. Ngay khi kích hoạt Code Stroke, chúng tôi tiến hành chụp MRI, xác định tắc mạch lớn và thực hiện hút huyết khối. Sau bảy ngày, cụ hồi phục gần như hoàn toàn, có thể nói chuyện, vận động lại”, bác sĩ Lan chia sẻ.
Trường hợp này là minh chứng cho việc người cao tuổi vẫn có thể được hưởng lợi từ can thiệp chuyên sâu nếu xử trí kịp thời. “Không nên nghĩ rằng người lớn tuổi thì không can thiệp. Điều trị đúng và sớm vẫn giúp họ có cuộc sống chất lượng, tránh gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Lan nhấn mạnh.
Mở rộng quy mô, chăm sóc toàn diện
Không chỉ can thiệp hiệu quả từng ca bệnh, Hoàn Mỹ còn chú trọng nâng cao năng lực hệ thống. Hiện 13/15 bệnh viện thành viên đã được trang bị hệ thống MRI, CT scan; hai đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hoàn Mỹ Cửu Long đạt chứng nhận chất lượng vàng từ Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) - tiêu chuẩn ghi nhận khả năng vận hành hiệu quả quy trình Code Stroke.

Một người bệnh đột quỵ được cấp cứu kịp thời nhờ quy trình Code Stroke - Ảnh: HM
Theo TS.BS Nguyễn Tuấn, Hoàn Mỹ không chỉ tập trung vào cấp cứu mà còn xây dựng mô hình chăm sóc đột quỵ mang tính hệ sinh thái, gồm các giai đoạn: phòng ngừa - phát hiện sớm - cấp cứu - điều trị - phục hồi chức năng. Riêng năm 2024, tập đoàn đã tiếp nhận hơn 2.000 ca đột quỵ, thực hiện trên 400 can thiệp nội mạch và gần 5.000 lượt phục hồi chức năng.
Đại diện Hoàn Mỹ cho biết hệ thống sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại (MRI, DSA, PACS); phát triển hồ sơ bệnh án điện tử tích hợp cảnh báo Code Stroke; mở rộng hợp tác nghiên cứu đa trung tâm và đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ, điều dưỡng.
Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ dự kiến phát triển thêm 5 trung tâm điều trị đột quỵ tại các tỉnh thành lớn như Vinh, Bình Dương, Đà Nẵng, Thủ Đức, Đồng Nai, nhằm mở rộng khả năng được cấp cứu đột quỵ kịp thời và hiệu quả cho người bệnh ở nhiều khu vực hơn.

Đội ngũ bác sĩ Hoàn Mỹ can thiệp tái thông mạch máu não cho người bệnh với hệ thống máy chụp DSA 2 bình diện - Ảnh: HM
Trong bối cảnh đột quỵ ngày càng phức tạp, mô hình điều trị liên chuyên khoa, phối hợp nhanh và xử trí chính xác được nhiều chuyên gia xem là hướng đi tất yếu. Đặc biệt khi bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng sống và kinh tế hộ gia đình.
“Mỗi phút giành lại được trong đột quỵ là thêm một cơ hội để người bệnh quay về cuộc sống bình thường. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục chuẩn hóa mô hình, mở rộng mạng lưới và tiệm cận hệ thống điều trị đột quỵ tiên tiến trên thế giới,” TS.BS Nguyễn Tuấn chia sẻ.