Trong buổi tọa đàm "
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm tuyển dụng và thu hút nhân tài, ngân hàng SHB chia sẻ về định vị bản thân với sinh viên. Ảnh: Nghiêm Huê
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm tuyển dụng và thu hút nhân tài Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SHB) chia sẻ, thế hệ GenZ (những người sinh từ năm 1997 – 2012) ngày nay rất thoải mái bộc lộ cá tính. Trong khi các nhà tuyển dụng đối với thế hệ này lại thuộc thế hệ X (những người sinh ra trong giai đoạn 1970 – 1989), vốn sống trong một môi trường xã hội phải tiết chế cá tính. Bản thân các nhà tuyển dụng cũng phải thích nghi với những thay đổi và nhận thấy thế hệ Gen Z hiện nay có rất nhiều ưu điểm vượt trội.
Trên phương diện nhà tuyển dụng, bà Hiền tiếp xúc với nhiều sinh viên thế hệ GenZ nhận thấy vấn đề định vị thương hiệu cá nhân của họ tưởng như dễ nhưng thực chất lại khó.
Theo bà Hiền, muốn định vị cá nhân, mỗi người phải xây dựng được bản chất cốt lõi con người mình bằng cách xác định giá trị, đam mê, kỹ năng và cá tính độc đáo của bản thân. Đây là nền tảng giúp sinh viên hiểu rõ mình là ai, mình sẽ mang lại giá trị gì cho xã hội, cho cộng đồng.
“Hình ảnh xuất hiện trước người khác (ngoại hình, giao tiếp, phong cách làm việc…) là yếu tố quan trọng để định vị cá nhân. Nhưng để việc định vị giữ được lâu bền và được đánh giá tích cực thì phải xây dựng lòng tin, tạo dựng uy tín, duy trì dấu ấn (nghĩa là phải nỗ lực không ngừng)”, bà Hiền nói.
Dẫn trường hợp nghệ sĩ Sơn Tùng-MTP như một "case study" (trường hợp điển hình) với sinh viên, bà Hiền cho rằng, Sơn Tùng được xem là người thành công trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân nhờ sự kết hợp hài hòa giữa tài năng, sự sáng tạo và chiến lược thông minh.
Thông điệp cốt lõi mà nghệ sĩ Sơn Tùng-MTP đã lan tỏa được là "Hãy theo đuổi đam mê và sống chính là mình". Anh kiên định điều đó qua chính hành trình của mình, không chạy theo xu hướng một cách mù quáng.
"Đây là một trường hợp mà tôi hết sức ngạc nhiên. Sự nổi tiếng của anh được duy trì suốt hơn chục năm qua dù không ra sản phẩm đều đều, nhưng mỗi lần xuất hiện là tạo sự thu hút kinh khủng", bà Hiền bình luận.
Theo bà Hiền, định vị cá nhân không để thành người nổi tiếng, mà để được ghi nhận dù trong nhóm nhỏ hay nhóm lớn. Nhìn vào hành trình của Sơn Tùng-MTP trong 10 năm qua, thành quả đạt được không phải là đương nhiên mà là xứng đáng trong lĩnh vực của mình. Bất kì ai không nhất thiết phải trở thành tốp đầu, nhưng cần là người có thể nhận diện được. Đây chính là yếu tố nhà tuyển dụng cần khi lựa chọn các ứng viên. Tức là ứng viên phải bật lên được vì sao nhà tuyển dụng cần mình giữa rất nhiều các ứng viên khác.
Bà Hiền nhận định, có tình trạng nhiều sinh viên không biết mình muốn trở thành người như nào, mông lung trong lựa chọn. Bà gợi ý, cần chọn một mục tiêu sau thời gian đi làm. Nhưng mục tiêu này không thể thay đổi liên tục vì như thế sẽ không khẳng định thương hiệu của bản thân với chính mình, người xung quanh.
Để xác định được giá trị cốt lõi, sinh viên phải trả lời được 3 câu hỏi: xuất phát từ đâu, sẽ ở đâu trong tương lai và làm gì.
VNU Job Fair 2024 thu hút gần 8.000 sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN với khoảng 60 gian tư vấn, tuyển dụng của 44 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước mang tới hơn 7.000 cơ hội việc làm và thực tập.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường khẳng định, trường luôn đồng hành cùng sinh viên trên hành trình phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp. Ông mong với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, cùng với những kiến thức và kĩ năng tích lũy được trên giảng đường ĐHQGHN, sinh viên sẽ tìm thấy con đường của riêng mình và tạo nên những bước tiến vững chắc trong tương lai.