Nhà xã hội đang bị 'chịu trận' thủ tục hành chính

Admin

TPO - Một trong những rào cản dẫn đến tốc độ phát triển nhà ở xã hội chậm chạp là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài...

Cả nước mới có 28 dự án

Nhà ở xã hội Hoàng Huy tại Hải Phòng (ảnh: Như Ý).

Đối với chương trình tín dụng 120.000 tỷ cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng.

Thủ tục hành chính: Phức tạp và kéo dài

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc phát triển nhà ở xã hội còn chậm. Một trong những rào cản dẫn đến tốc độ phát triển nhà ở xã hội chậm chạp là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn… Mặt khác, những hạn chế về giới hạn tỷ suất lợi nhuận cũng khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn hơn các loại hình nhà ở thương mại.

Cùng với đó, nhiều địa phương còn chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại thì hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập…

Bên cạnh những rào cản từ pháp lý, thủ tục… thì vốn tín dụng ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà cũng đang là rào cản lớn khiến việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được như kỳ vọng.

Những vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, nguồn cung nhà ở xã hội... đã được “lộ diện”. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giảm lãi suất ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi của người có thu nhập thấp là điều rất quan trọng và “điểm nghẽn” này cần được khơi thông.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhận định, gói 120.000 tỷ đồng sẽ khó khả thi bởi lãi suất cho vay 8%/năm là quá cao so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, sau 5 năm, lãi vay được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, đây là điều rất rủi ro đối với công nhân nên cần có hỗ trợ từ ngân sách.

"Mới thấy nhà xã hội trên tivi"

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Theo như nhiều công nhân phản ánh, họ chỉ thấy nhà ở xã hội trên ti vi vì muốn tiếp cận nhà ở xã hội thì cần rất nhiều thủ tục, giấy tờ và quá trình đó tốn nhiều thời gian, tiền bạc, do vậy rất khó để tiếp cận. Tôi nghĩ đó là các ý kiến rất chân thành, chúng ta cần ngồi lại với các công nhân để bàn bạc, có thể có những kiến nghị cụ thể như cho vay tín dụng như thế nào, xem xét lại các tiêu chí. Trên cơ sở đó sẽ đưa các nhà ở nhà ở xã hội đã xây dựng nhưng chưa được sử dụng, bỏ phí trong thời gian qua đến với công nhân, người lao động”.

Theo ông Doanh, hiện nay, vốn vay đến tay công nhân rất ít, quá trình vay đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, bên phía cho vay muốn an toàn, muốn bảo đảm chắc chắn trong khi đó chưa hướng dẫn cho người công nhân cần làm những thủ tục gì, quá trình làm như thế nào.

Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giai đoạn 2021-2025 cả nước cần 1,24 triệu căn nhà ở xã hội; năm 2025-2030 cần 1,6 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2021 đến nay, cả nước mới hoàn thành 57.652 căn, đạt 13,5% kế hoạch 2021-2025, tăng 4% so với thống kê gần nhất vào quý 3. Hiện cả nước khởi công 133 dự án với quy mô 110.217 căn, 415 dự án được chấp thuận đầu tư có quy mô 412.240 căn.

VARS cho biết, TP Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế là 3 địa phương được ghi nhận “điểm sáng” trong việc phát triển nhà ở xã hội với tỷ lệ hấp thụ lần lượt đạt 71%, 100%, 84%.

“Để đề án thực sự có cơ hội về đích, Nhà nước cần tiến dần hơn về phía “chủ trì” thay vì chỉ là cơ quan ban hành các cơ chế, chính sách và theo dõi, giám sát như hiện tại”, VARS đề xuất.

Hà Nội triển khai dự án nhà ở xã hội Vĩnh Hưng trong năm 2025
Địa ốc 24H: Thanh tra khu nhà ở xã hội 1.500 tỷ đồng; Hà Nội gỡ vướng cho 3 dự án
HUD: Phát triển nhà ở xã hội – Hướng tới cộng đồng lao động thu nhập thấp
HUD: Phát triển nhà ở xã hội – Hướng tới cộng đồng lao động thu nhập thấp