Nhân rộng mô hình canh tác lúa bền vững tại ĐBSCL

Admin

Với những hiệu quả đạt được, mô hình canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai – Forward Farming sẽ được nhân rộng trên cây lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cây cà phê, sầu riêng ở Tây Nguyên.

Ngày 8/4, tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ mở rộng hợp tác trong việc phát triển các mô hình canh tác bền vững và thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn tại Việt Nam.

Nhân rộng mô hình canh tác lúa bền vững tại ĐBSCL ảnh 1

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ mở rộng hợp tác.

Mục tiêu chính của ký kết là hỗ trợ xây dựng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp ở ĐBSCL, đồng thời thúc đẩy các mô hình canh tác tiên tiến, quản lý dịch hại hiệu quả và đảm bảo an toàn cho các vùng trồng sầu riêng và cà phê trọng điểm.

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đây là một bước tiến quan trọng trong hợp tác công tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ bà con nông dân giải quyết các thách thức trong nông nghiệp thông qua hệ thống và mạng lưới khuyến nông cộng đồng.

“Các mô hình thực hiện trong thời gian qua đã thu được các kết quả tích cực để có thể tiếp tục nhân rộng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao năng lực nhà nông nhằm ứng dụng các giải pháp canh tác an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường, gắn liền với mục tiêu quốc gia trong phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi kinh tế xanh” – ông Thanh cho hay.

Nhân rộng mô hình canh tác lúa bền vững tại ĐBSCL ảnh 2

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại buổi ký kết.

Mô hình canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai – Forward Farming được khởi động vào năm 2023, đã thiết lập các mô hình canh tác lúa bền vững thành công nhằm tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL. Mô hình đã chuyển giao công nghệ cho hơn 4.500 nông dân trồng lúa, và chứng minh sự cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường.

Theo đánh giá qua thực nghiệm, mô hình giúp giảm 2,5-3 lần lượng giống gieo sạ (60kg giống/ha, so với 150-180kg/ha như cách truyền thống); giảm gần 50% lượng nước tưới; giảm gần 25% lượng phát thải khí nhà kính; giảm 1,5-4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Nhờ tiết kiệm chi phí đầu vào, năng suất lúa lại cao hơn, nên hiệu quả kinh tế tăng từ 13-55% so với mô hình canh tác truyền thống.

Ông KG Krishnamurthy - Giám đốc nhánh khoa học cây trồng, Bayer Việt Nam cho biết, các mô hình hợp tác đã chứng minh kết quả hữu hình khi giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Với mong muốn được nhân rộng mô hình tại ĐBSCL, đại diện Bayer Việt Nam cho rằng, cần nhiều nhân sự hơn và cần sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và lực lượng khuyến nông cộng đồng ở các địa phương.

“Chúng tôi rất trân trọng hợp tác công tư và tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong phát triển bền vững. Sự hợp tác này không chỉ tạo ra một nền tảng vững chắc cho nông dân mà còn xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững toàn diện. Chúng tôi sẽ cung cấp những giải pháp nông học tiên tiến hiệu quả, giúp nông dân vượt qua những thách thức trong canh tác, đặc biệt là trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng” – đại diện Bayer Việt Nam cho hay.

Nhân rộng mô hình canh tác lúa bền vững tại ĐBSCL ảnh 3

Ông KG Krishnamurthy – Giám đốc nhánh khoa học cây trồng, Bayer Việt Nam chia sẻ rất trân trọng hợp tác công tư trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đây là một chương trình hợp tác rất hiệu quả trong đối tác công – tư. Với các giải pháp công nghệ đã chứng minh được vừa có thể giảm được chi phí ở mức độ tối ưu, đồng thời nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là khi đo đếm lượng phát thải khí nhà kính.

“Việc ký kết nhằm tiếp tục mở rộng mô hình như một giải pháp hữu ích để tham gia vào phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp cũng như mở rộng thêm cho hai chuỗi giá trị hiện nay đang là thế mạnh của Việt Nam là cây cà phê và sầu riêng. Trung tâm sẽ tiếp tục có những giải pháp tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, đồng thời phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng ở các địa phương” – ông Thanh nói.

Theo nội dung ký kết, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động chính như: Thành lập các nông trại kiểu mẫu trọng điểm tại ĐBSCL và Tây Nguyên để trình diễn và nhân rộng các đổi mới trong thực hành canh tác cho cây lúa, sầu riêng và cà phê. Triển khai các chương trình quản lý tổng hợp, bao gồm ứng dụng công nghệ bảo vệ mùa màng tiên tiến, cho nông dân trồng lúa, sầu riêng và cà phê. Xây dựng và phổ biến tài liệu để nông dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác sáng tạo và bền vững…

Drone XAG P100 sử dụng trong canh tác chuối và sầu riêng tại Việt Nam
Không còn nỗi lo sâu cuốn lá kháng thuốc, nông dân an tâm canh tác
Nhà nông Phú Mỹ: Lan tỏa kỹ thuật canh tác tới bà con nông dân
Năng suất cao nhờ canh tác lúa thông minh
Năng suất cao nhờ canh tác lúa thông minh
Hậu Giang đoạt giải nhất thi kỹ thuật canh tác lúa
Hậu Giang đoạt giải nhất thi kỹ thuật canh tác lúa