Nhớ Bác Người bắt nhịp bài ca Kết đoàn

Admin

"Bác không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm ấy mà còn là người nhạc trưởng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam".

Kết đoàn - Ảnh 1.

Bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn của Lâm Hồng Long

Đây là nhận định của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - về bức ảnh nổi tiếng Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn của cố nhà báo Lâm Hồng Long.

Ở tuổi ngoài 80, trí nhớ đã có nhiều vùng mờ, nhưng chuyện vị tiền bối đáng kính chụp bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn thì ông Thành nhớ rất rõ, như mới vừa hôm qua nghe tổ trưởng Lâm Hồng Long kể cho ông nghe.

Ông Thành kể hồi ông mới đầu quân cho tổ ảnh chính trị ngoại giao của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), là một người trẻ ham học hỏi, ông được tổ trưởng Long hay kể cho nghe những câu chuyện tác nghiệp, trong đó có câu chuyện chụp bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn.

Bức ảnh được chụp tối 3-9-1960 tại Đêm dạ hội nhân dân thủ đô ở Vườn Bách Thảo, Hà Nội, chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Đây là kỳ đại hội Đảng đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Tối hôm ấy, Bác Hồ dẫn mấy đoàn đại biểu của nước ngoài tham dự chương trình. Đến tiết mục Kết đoàn, nhạc sĩ mời Bác lên bắt nhịp. Bác liền bước lên bục của nhạc trưởng, tay cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, bắt nhịp bài ca Kết đoàn.

Đây là một bất ngờ lớn đối với tất cả những người có mặt và là một sự kiện quý giá đối với các phóng viên ảnh. Các phóng viên đều tìm chỗ đứng ở cùng phía với các nhạc công để chụp được khuôn mặt Bác. Nhưng góc chụp này ngoài hình ảnh Bác ra thì chỉ thấy lưng các nhạc công. Ông Long mong đợi một bức ảnh sinh động hơn thế.

Kinh nghiệm theo Bác chụp ảnh đã mấy năm cũng như sự thấu hiểu con người của vị lãnh tụ, ông Long đoán chắc chắn Bác sẽ có lúc quay mặt về phía khán giả vì Bác làm gì cũng hướng về quần chúng. Ông lặng lẽ di chuyển ra phía sau lưng Bác, đặt chế độ chụp, lấy nét sẵn cho chiếc máy Rolleiflex và hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc vàng.

Một số phóng viên cũng chọn góc như ông Long, nhưng vì chờ quá lâu chưa thấy Bác quay mặt lại, bài nhạc lại sắp kết thúc, họ bỏ chỗ đứng. Chỉ còn mình ông Long kiên nhẫn ở lại và nhận được phần thưởng xứng đáng.

Ông bấm được một kiểu ảnh hoàn hảo duy nhất, bắt được hình ảnh Bác mặc áo lụa trắng, quần lụa đen, chân đi đôi dép cao su, tay cầm chiếc đũa nhạc trưởng bừng sáng trên nền sẫm của dàn nhạc công và dàn hợp xướng cũng đang rạng rỡ, say sưa biểu diễn.

Ông Thành đánh giá bức ảnh có bố cục chặt chẽ, vừa có tính khái quát cao, vừa có những chi tiết sinh động, làm nổi bật chân dung vị lãnh tụ vĩ đại mà vô cùng giản dị, ung dung, tự tại. Nó nhanh chóng được phổ biến, trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất về Bác Hồ.

Năm 1996, một năm trước khi qua đời tại TP.HCM, nhà báo Lâm Hồng Long được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên nhờ bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn và bức ảnh Mẹ con ngày gặp mặt ông chụp ngày 6-5-1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu.

Trước đó bức ảnh cũng được quốc tế ghi nhận, với Bằng Tuyên dương danh dự (Mencin Honor) tại Đại hội lần thứ 21 Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) họp ở Tây Ban Nha năm 1991.

-----------------------------

* Ghi theo lời kể của ông Chu Chí Thành và tham khảo từ cuốn sách Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - Tác giả, tác phẩm của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (NXB Trẻ, 2020).

Nhớ Bác Người bắt nhịp bài ca Kết đoàn - Ảnh 2.Học lại bài ca kết đoàn

TTO - Trưng bày chuyên đề ‘Bài ca kết đoàn’ tại di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đang mang đến cho công chúng những câu chuyện xúc động về những gia đình, dòng họ có nhiều người cùng chọn đi theo Đảng, theo cách mạng.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề