Những hoạt động nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững về quản lý hóa chất độc hại ở Việt Nam

Admin

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ, các vấn đề liên quan đến hóa chất và chất thải nguy hại ngày càng trở thành thách thức lớn đối với sức khỏe con người và môi trường. Việt Nam, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, đang phải đối mặt với áp lực từ việc sử dụng hóa chất trong sản xuất và tiêu dùng, cũng như xử lý chất thải nguy hại một cách bền vững.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về môi trường, trong đó có: Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại qua biên giới và việc tiêu huỷ chúng; Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; Công ước Rotterdam về các thủ tục thỏa thuận thông báo trước một số hóa chất và thuốc trừ sâu nguy hại trong thương mại quốc tế (3 Công ước gọi tắt là Công ước BRS); Công ước Minamata về Thủy ngân; và thực hiện Chiến lược quốc tế về quản lý hóa chất (SAICM).

Nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững, dự án “Tăng cường năng lực quốc gia để quản lý an toàn hóa chất và chất thải trong việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm, Minamata và Phương pháp tiếp cận Chiến lược quốc tế về quản lý hóa chất (SAICM) ở Việt Nam” được triển khai từ năm 2019. Dự án này không chỉ nhằm mục đích tăng cường khung pháp lý và năng lực kỹ thuật trong nước, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, qua đó giảm thiểu tác động của hóa chất nguy hại và bảo vệ sức khỏe con người cùng hệ sinh thái quốc gia.

Những hoạt động nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững về quản lý hóa chất độc hại ở Việt Nam ảnh 1

Toàn cảnh phiên họp về Công ước BRS

Để đạt được điều đó, trong những năm qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện như: rà soát các quy định hiện hành; xây dựng lộ trình và các hoạt động cụ thể để lồng ghép những yêu cầu của Công ước BRS vào hệ thống pháp luật Việt Nam; xây dựng lộ trình và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo để phổ biến các nhiệm vụ trong Công ước BRS, Minamata và SAICM cho các bên liên quan; nâng cao nhận thức quan về hoá chất và chất thải theo các Công ước BRS.

Gia nhập Công ước Basel năm 1995, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định để kiểm soát chất thải nguy hại cụ thể như: Thiết lập các cơ chế kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại; Ban hành các quy định pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định liên quan về quản lý chất thải nguy hại; Tăng cường năng lực quản lý và xử lý chất thải nguy hại thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế. Nhờ những hành động này, Việt Nam đã hạn chế vận chuyển bất hợp pháp chất thải nguy hại vào trong nước, đặc biệt là từ các nước phát triển.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Công ước Rotterdam và đã triển khai quy trình đồng thuận trước (PIC) đối với các hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại. Nhằm thực hiện các cam kết của mình, Việt Nam đã: đưa các hóa chất nguy hại thuộc danh mục của công ước vào danh sách quản lý nghiêm ngặt; yêu cầu khai báo và xin phép đối với việc xuất nhập khẩu hóa chất nguy hại; đào tạo cán bộ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quản lý hóa chất an toàn. Nhờ đó, nước ta có thể kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu các hóa chất độc hại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thay thế bằng các hóa chất an toàn hơn.

Việt Nam gia nhập Công ước Stockholm năm 2002 và đã cam kết loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Việt Nam tham gia Công ước đã giúp nước ta xử lý một phần ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng và giảm thiểu nguồn phát thải POP từ ngành công nghiệp thông qua các hoạt động: xây dựng kế hoạch quốc gia về quản lý POP, bao gồm loại bỏ các hóa chất như PCB, DDT và dioxin; thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm POP tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải POP.

Với Công ước Minamata, Việt Nam đã ký Công ước vào năm 2013 và phê chuẩn năm 2016, cam kết giảm thiểu và loại bỏ thủy ngân. Thủy ngân là kim loại nặng có độc tính cao, đồng thời là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe con người và môi trường. Thủy ngân có nhiều tác động có hại đến sức khỏe, gây tổn thương cho hệ thần kinh trung ương, tuyến giáp, thận, phổi, hệ thống miễn dịch, mắt, nướu răng, da v.v.... Mục tiêu chính của Công ước Minamata về thủy ngân là đưa ra quy định kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, vận chuyển, sử dụng, lưu trữ và thải bỏ thủy ngân nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường do phát thải nhân sinh của thủy ngân và các hợp chất thủy ngân.

Việt Nam đã cử đại biểu tham gia đầy đủ tại các cuộc họp của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Công ước thủy ngân từ năm 2010 và đóng góp nhiều ý kiến xây dựng đối với từng điều khoản của Công ước, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên đang phát triển và các điều khoản liên quan đến nội dung hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính từ các Thành viên là nước phát triển đối với các Thành viên là các nước đang phát triển. Với việc tham gia Công ước, Việt Nam đã: ban hành quy định về hạn chế sử dụng thủy ngân trong sản xuất công nghiệp, y tế và các sản phẩm tiêu dùng; thực hiện các dự án hỗ trợ doanh nghiệp thay thế thủy ngân bằng các vật liệu và công nghệ thân thiện với môi trường; và tăng cường kiểm soát ô nhiễm thủy ngân tại các cơ sở khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ.

Thông qua việc thực thi các công ước quốc tế trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong quản lý hóa chất và chất thải nguy hại. Việc đáp ứng các yêu cầu của các Công ước này không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi với cộng đồng nói chung và với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hóa chất nói riêng. Doanh nghiệp nhờ đó có thể tiếp cận được các thị trường phát triển hơn song song với việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe của môi trường và con người. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường.