Bộ Y tế vừa ban hành danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu tuyến cuối không cần giấy chuyển tuyến mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân ung thư không biết bệnh của mình có cần xin giấy chuyển tuyến hay không.
Vẫn chật vật xin "gia hạn" giấy chuyển tuyến
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào chiều 2-1, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1), một số bệnh nhân ung thư vẫn chật vật xin "gia hạn" giấy chuyển viện khi bước sang năm 2025.
Anh T.H.Q. (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) mắc ung thư hầu mũi trái giai đoạn 2. Anh đến bệnh viện khám vào sáng cùng ngày và được yêu cầu trở về tỉnh làm giấy chuyển tuyến.
Tuy nhiên, khi trở về phòng khám địa phương để làm thủ tục, phòng khám thông tin hiện đã có quy định mới, những bệnh hiểm nghèo có thể đến khám và điều trị trực tiếp tại tuyến trung ương mà không cần giấy chuyển viện, vẫn được hưởng 100% quyền lợi bảo hiểm y tế.
Sau đó, anh Q. gọi điện đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1) để xác minh lần nữa về yêu cầu làm giấy chuyển tuyến và được nhân viên xin lỗi, thông tin anh không cần làm thêm nếu giấy cũ vẫn còn hiệu lực trong vòng một năm kể từ ngày ký (theo quy định mới).
Còn trường hợp của anh L.M.K. (33 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa), ngày 31-12-2024 bệnh viện đã nhắc anh gia hạn giấy chuyển viện trong vòng 7 ngày (từ ngày 2-1 đến 8-1) khi bước sang năm mới để tiếp tục hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế trong quá trình điều trị ung thư lưỡi.
Anh K. có bảo hiểm y tế đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh. Khoảng đầu tháng 11-2024, anh đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám và phát hiện mình mắc ung thư. Anh K. chọn phẫu thuật dịch vụ và tiếp tục xin giấy chuyển viện để hưởng bảo hiểm y tế trong quá trình điều trị kéo dài tại bệnh viện này.
Trước thông tin phải gia hạn giấy chuyển tuyến trong dịp năm mới, anh K. phải nhờ người quen làm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh làm giúp giấy chuyển tuyến theo như yêu cầu để tiếp tục điều trị và được bảo hiểm y tế chi trả phần nào.
Anh K. nói: "Từ TP.HCM về nhà tôi mất khoảng 8 tiếng, nếu tôi về quê làm giấy chuyển tuyến theo yêu cầu trước đây thì phải mất một ngày xạ trị. Như thế, phác đồ điều trị của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Nếu quy định về giấy chuyển tuyến 'thông thoáng' cho những ai bị bệnh hiểm nghèo như ung thư thì sẽ rất có lợi cho người bệnh".
Không phải cứ ung thư là không cần giấy chuyển tuyến!
Đại diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thông tin ngày 1-1-2025, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 01 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Cụ thể danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu (ví dụ: Bệnh viện Ung bướu) quy định tại phụ lục I.
Phụ lục I này bao gồm 62 nhóm bệnh khác nhau, trong đó có 10 nhóm bệnh lý ác tính đi kèm các tình trạng, điều kiện cụ thể.
Trong đó 9 nhóm bệnh ung thư như C25 (u ác tụy); C37 (u ác tuyến ức); C38 (u ác của tim, trung thất và màng phổi) (trừ mã C38.4); C41 (u ác của xương và sụn khớp ở vị trí khác và không xác định); C70 (u ác của màng não); C71 (u ác của não); C72 (u ác của tủy sống, dây thần kinh sọ và các phần khác của hệ thần kinh trung ương); C79.3 (u ác thứ phát của não và màng não); Từ C81 đến C86 và từ C90 đến C96 (u ác của hệ lympho, hệ tạo máu và các mô liên quan) (trừ mã C83.5).
Riêng đối với nhóm các bệnh lý ác tính nói chung (từ C00 đến C97) phải đủ 2 điều kiện. Đó là người dưới 18 tuổi, và không áp dụng đối với trường hợp đã được chẩn đoán xác định nhưng không có chỉ định điều trị đặc hiệu.
Do đó đối với trường hợp anh K. và anh Q. nếu không thuộc các nhóm bệnh và thỏa các điều kiện trên đều cần được các cơ sở y tế cấp ban đầu (trong trường hợp vượt khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản tại tỉnh) hoặc cấp cơ bản chuyển viện đến Bệnh viện Ung bướu để hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi điều trị ngoại trú.
Trước ngày 1-1-2025, theo hướng dẫn của nghị định 146/NĐ-CP và thông tư 40/TT-BYT "Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12 năm dương lịch đó".
Do đó ngay khi tiếp nhận thông tư 01 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tại khoản 5, điều 15 quy định "Giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến được cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực được sử dụng đến hết thời hạn có giá trị sử dụng của giấy theo quy định tại thông tư này, trường hợp giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch hết thời hạn có giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2025", bệnh viện đã thông báo, giải thích cho các bệnh nhân có giấy chuyển tuyến trong năm 2024 vẫn còn hiệu lực để tránh phải xin lại giấy chuyển tuyến mới.