Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị vừa tổ chức hội nghị để họp bàn, triển khai một số nội dung liên quan việc việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN TRƯỚC NGÀY 1/5/2025
Tại hội nghị, lãnh đạo chủ chốt của hai tỉnh đã nghe báo cáo một số nội dung liên quan về việc tổ chức thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính giữa hai tỉnh, trong đó, Quảng Bình được xác định là trung tâm hành chính - chính trị sau sáp nhập.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về việc tổ chức cơ quan, đơn vị, cơ cấu lãnh đạo cơ quan, tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ công chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp. Thống kê tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc, đề xuất bố trí trụ sở làm việc…
Bước đầu, hai tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. Ban Chỉ đạo gồm 34 thành viên, do ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình và ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị là đồng Trưởng Ban.
Ban Chỉ đạo sẽ có hai tổ giúp việc gồm tổ tham mưu các nội dung về tài sản, tài chính, hậu cần và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác khi hợp nhất. Tổ tham mưu các nội dung về chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tỉnh Quảng Bình sẽ chủ trì, phối hợp tỉnh Quảng Trị để xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025. Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh này thống nhất với “Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình”.
Trên cơ sở nội dung của hội nghị này, tỉnh Quảng Trị sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan để tập trung xây dựng hoàn thiện đề án theo đúng nguyên tắc, quy định của Trung ương.
TUYỆT ĐỐI TRÁNH PHÂN BIỆT “TỈNH ANH, TỈNH TÔI”
Theo ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, việc hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ là sự kiện hành chính mà là một cơ hội mang tính lịch sử để thiết lập lại không gian phát triển mới, mở rộng dư địa tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai địa phương có vị trí địa lý chiến lược, nhiều tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội.
Qua đó, mở ra dư địa phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng tầm vị thế của địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Để phấn đấu hoàn thành Đề án theo đúng tiến độ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng Sở Nội vụ hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị được giao nhiệm vụ tham mưu, trình Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình ký, ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ công tác.
Các cơ quan, đơn vị chức năng của hai tỉnh chủ động kết nối, phối hợp làm việc trực tiếp với nhau, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu để thống nhất định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, chức năng nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành, đơn vị đảm bảo tính kế thừa, phù hợp và không bị xáo trộn lớn trong quá trình vận hành tỉnh mới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình được giao tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc, trang thiết bị, bố trí nhà ở công vụ... cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ Quảng Trị ra trụ sở mới công tác, bảo đảm các điều kiện theo yêu cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đề nghị cần tăng cường công tác chính trị tư tưởng và tuyên truyền tạo đồng thuận, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
“Tuyệt đối tránh các biểu hiện tiêu cực, phân biệt “tỉnh tôi - tỉnh anh”, gây ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, thống nhất – điều mà Trung ương đã nhiều lần lưu ý trong các văn bản chỉ đạo. Đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy hai tỉnh chủ động cung cấp thông tin, định hướng và phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện tốt công tác tuyên truyền nội dung này”, ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết.
Sau khi hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, tỉnh mới sẽ có diện tích gần 12.700 km2, quy mô dân số hơn 1,8 triệu người, dự kiến có 78 đơn vị hành chính cấp xã.