Tuyến đường ven biển được xác định là trục phát triển chiến lược của tỉnh Quảng Trị, nối liền các khu kinh tế, cảng biển, sân bay và cửa khẩu; đồng thời tạo đà cho phát triển hạ tầng du lịch, logistics và kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây.
Trong quá trình triển khai, Dự án thành phần 1 của tuyến này liên tục đối mặt với tình trạng thiếu mặt bằng thi công đồng bộ, khiến tiến độ chậm kéo dài.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị (trước đó Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) đơn vị chủ đầu tư, tính đến cuối tháng 6 năm 2025, toàn dự án đã phê duyệt phương án bồi thường cho 72,8 trên tổng số 80 km chiều dài tuyến, đạt tỷ lệ 91%. Tuy nhiên, mặt bằng thực tế mới bàn giao được 71,53 km, tương đương 89,4%.
Dù tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao, nhưng phân bố lại không liên tục, dẫn tới tình trạng các đoạn thi công bị “ngắt quãng”, không thể triển khai xuyên suốt.
Trong số các địa phương nơi dự án đi qua, phường Đồng Hới là địa bàn có tỷ lệ giải phóng mặt bằng thấp nhất. Tại đây, tuyến đường ven biển đi qua 4,71 km chiều dài, ảnh hưởng tới 1 hộ dân và 5 tổ chức, trong đó có 3 doanh nghiệp sở hữu trang trại nuôi trồng thủy sản.
Đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2025, phường Đồng Hới (trước đó là xã Bảo Ninh) mới bàn giao được 3,61 km mặt bằng, đạt 76,65%. Phần còn lại khoảng 1,10 km vẫn chưa thể thi công do chưa hoàn tất bồi thường, hỗ trợ đối với một tổ chức có trang trại nuôi trồng thủy sản và một hộ dân có trang trại chăn nuôi.
Theo đại diện Sở Tài chính cho biết: so với thời điểm lập dự án vào năm 2021, chi phí đền bù và hỗ trợ hiện nay đã đội lên đáng kể, nguyên nhân đến từ việc điều chỉnh đơn giá đất ở, chi phí tái định cư, cũng như chính sách hỗ trợ người dân và tổ chức có đất bị thu hồi.
Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều vướng mắc như công tác quy chủ đất đai, trích đo địa chính, các công trình, nhà ở sát tuyến thi công, hay hoạt động sản xuất tại các trang trại thủy sản chưa được thống nhất phương án bồi thường.
Sau khi rà soát toàn tuyến, các địa phương cùng các cơ quan chuyên môn đã thống nhất đề xuất điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng từ mức ban đầu là 384,8 tỷ đồng lên 674,8 tỷ đồng, tăng thêm 290 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 1 - Đường ven biển từ 2.200 tỷ đồng lên 2.490 tỷ đồng.
Trong đó, phần tăng thêm chủ yếu dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất của dự án, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành toàn tuyến trong năm 2025 như kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư, bố trí đủ quỹ đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với chính sách.
Đặc biệt, đối với các trường hợp đã được áp dụng đầy đủ quy định về bồi thường và hỗ trợ mà vẫn không chấp thuận bàn giao mặt bằng, cần xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để hỗ trợ thi công, đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án.