Quỹ khuyến nông là 'bệ phóng' của nông dân và cơ giới hoá nông nghiệp

Admin

Là địa phương duy nhất trên cả nước có nguồn Quỹ khuyến nông, Hà Nội đã và đang phát huy tốt trong công tác đồng hành cùng hàng nghìn nông hộ, trang trại vượt khó đi lên sản xuất bền vững, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế nông nghiệp của Thủ đô.

Quỹ khuyến nông là 'bệ phóng' của nông dân và cơ giới hoá nông nghiệp ảnh 1

Trong những năm qua, Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội đã cho hàng nghìn hộ dân vay vốn để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu

Trải qua 20 năm hoạt đồng, Quỹ Khuyến nông Hà Nội là một kênh tài chính ưu đãi giúp hàng ngàn hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã… được vay vốn phát triển sản xuất.

Là một trong những nông hộ nhận được hỗ trợ từ quỹ, anh Đặng Văn Chung (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) bắt đầu nuôi lợn từ năm 2015. Chỉ đủ tiền để xây dựng chuồng trại, 95 triệu đồng do Quỹ khuyến nông TP cho vay là số vốn duy nhất gia đình anh có để nhập 16 con lợn hậu bị. Năm 2017, trả hết gốc và lãi, anh vay tiếp 300 triệu đồng để mở rộng quy mô lên 60 lợn nái.

Chưa dừng lại ở đó, hai năm 2018, 2019 là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với anh Chung vì bão giá, có lúc lợn hơi xuống 20.000 đồng/kg, dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến chăn nuôi lao đao. Đến đầu năm 2020, anh được Quỹ khuyến nông TP cho vay tiếp 400 triệu đồng. Với số vốn được đầu tư, anh thiết kế chuồng trại khép kín theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, nâng quy mô lên 70 lợn nái, 4 lợn đực và 500 lợn thương phẩm. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi khép kín, trại lợn của anh Chung luôn an toàn trước mọi nguy cơ dịch bệnh.

“Nếu như những năm qua không có Quỹ khuyến nông, tôi sẽ không biết xoay xở thế nào vì thực sự cạn vốn trong khi vay ngân hàng lại rất khó khăn. Nhờ có tiền tái đầu tư nên tôi duy trì được đàn lợn nái và bán lợn giống, lợn thịt khá đều đặn, cho thu lãi trên dưới 300 triệu đồng/năm, lại còn trả vốn vay đúng hạn” - anh Chung cho hay.

Giống với anh Chung, anh Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Chương Dương (huyện Thường Tín) đã trải qua 8 năm chăn nuôi, nhưng có tới 4 năm thua lỗ vì đàn lợn mắc dịch tả châu Phi, nên anh đã chuyển hẳn sang nuôi bò BBB. Năm 2021, anh Hoàng làm phương án vay Quỹ khuyến nông lần đầu và được giải ngân 350 triệu đồng; năm 2023 trả hết rồi năm 2024 lại làm phương án vay tiếp 500 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay này mà anh đã mở rộng chuồng trại, nâng số lượng đàn bò lên 29 con.

“Mừng nhất là khi có nhu cầu vay vốn liên hệ, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn làm phương án vay đến nơi đến chốn, thủ tục đợi khoảng hơn 1 tháng là được giải ngân” - anh Hoàng bộc bạch.

Đánh giá về hiệu quả và sự lan tỏa của Quỹ khuyến nông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, Quỹ khuyến nông đã giúp các hộ trên địa bàn thành phố mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất quy mô lớn, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ có nguồn vốn này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao

Quỹ khuyến nông Hà Nội được thành lập từ năm 2002, hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận mà bảo toàn vốn và cho vay đúng đối tượng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cơ giới hóa. 22 năm qua, Quỹ đã trở thành một kênh tài chính ưu đãi giúp các chủ trang trại, hộ nông dân được vay vốn với mức phí quản lý thấp để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trưởng phòng Quản lý Quỹ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Duy Nam cho biết, Quỹ dành để cho vay các khoản vốn lưu động như giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động… trong đó người dân phải đối ứng 50% để tăng thêm tính trách nhiệm.

Khi thẩm định phương án vay với chăn nuôi phải xem xét kỹ tài sản thế chấp, nguyện vọng của hộ vay và cả trang trại, nhà kho, địa điểm, trồng cây làm thức ăn cho vật nuôi. Cùng với đó, phải đáp ứng cơ sở vật chất, đường điện, nước, máng ăn uống… đầy đủ, đúng quy chuẩn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, trong bối cảnh nông nghiệp Thủ đô thường xuyên đối diện với thiên tai, dịch bệnh, cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển trong xu thế hiện nay, Trung tâm Khuyến nông cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ khuyến nông.

Trong quá trình thẩm định, giải ngân, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch… nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

Trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất, Quỹ khuyến nông Hà Nội ưu tiên cho vay đối với những mô hình, những hộ theo chuỗi giá trị, từ đó sẽ nâng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm cũng như thu nhập của người nông dân. Song song với đó, thực hiện tốt Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội.