Đại diện Viện KSND cấp cao tại phiên tòa là ông Võ Phong Lưu, Đặng Quốc Việt và ông Đỗ Phước Trung. Tham gia phiên tòa phúc thẩm có gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người liên quan. Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có 5 luật sư là Phan Trung Hoài, Giang Hồng Thanh, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Thị Huyền Trang.
Kháng cáo từ trại tạm giam
Vụ án này được xét xử phúc thẩm vì sau bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên ngày 14/4, có kháng cáo của bị cáo, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan gửi đơn kháng cáo từ trại tạm giam, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan), Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan), Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang), Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN) cùng 43 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty T&H Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh…
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ ánẢnh: Tân Châu |
Ngày 17/10, HĐXX TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên án giai đoạn 2 vụ án, phạt bà Trương Mỹ Lan tù chung thân về 3 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Hồi tháng 4, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù tội “Đưa hối lộ” và tử hình tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Lan phải chấp hành là tử hình. 85 đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân. Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay là 677.800 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cũng xác định bà Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội, gây ra thiệt hại cho Ngân hàng SCB 677.000 tỷ đồng. Bà Lan là người chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản, dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này, hành vi nói trên của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Bà Lan còn chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Để che giấu thực trạng yếu kém của Ngân hàng SCB và đưa ngân hàng này khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó đã 4 lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Thanh tra, giám sát của NHNN) 5,2 triệu USD.