Vướng vòng lao lý từ Dự án Dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Cụ thể, kết luận điều tra cho biết, vụ việc bắt đầu từ năm 2020, khi bị can Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An nhờ ông Phạm Thái Hà, lúc đó là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội, giới thiệu với ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, với mong muốn được thi công một phần dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Sau vài cuộc trao đổi, ông Tuấn chỉ trả lời “Sẽ nghiên cứu”. Tuy nhiên, diễn biến sau đó bất ngờ thay đổi khi cả ông Tuấn và ông Hưng cùng tham dự một bữa ăn sáng tại nhà Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ. Tại đây, ông Tuấn đã báo cáo tình hình triển khai các dự án, trong đó có cầu Vĩnh Tuy 2, và gặp lại ông Hưng. Sự xuất hiện của ông Hưng trong bữa ăn “thân mật” này khiến ông Tuấn tin rằng doanh nhân này có mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo Thành ủy. Vài ngày sau, ông Hưng đến trụ sở Ban QLDA đề nghị ông Tuấn giúp Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công cầu Vĩnh Tuy 2, lần này, ông Tuấn đồng ý. Đến tháng 6/2020, tại buổi hội ý công việc của Ban QLDA, Tuấn chỉ đạo Nguyễn Chí Cường và Phạm Văn Duân, Phó giám đốc Ban QLDA “tạo điều kiện” cho Tập đoàn Thuận An. Trong lần họp sau đó, Tuấn tiếp tục nhắc lại việc quan tâm, tạo điều kiện cho Thuận An tham gia thi công cầu Vĩnh Tuy 2. Theo đó, cấp dưới của Tuấn hiểu phải cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu. Cùng thời điểm, ông Trần Việt Khoa, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long, cũng bày tỏ mong muốn được tham gia gói thầu này. Qua sự giới thiệu của nhân viên BQLDA, hai doanh nghiệp tiến hành lập liên danh Thuận An – Cầu 7 Thăng Long để tham dự gói thầu, dù cả hai đơn vị đều không đủ năng lực thi công theo quy định. Đáng chú ý, trước hạn chót nộp hồ sơ vào cuối tháng 11/2020, các bị can tại Ban QLDA đã kiểm tra trước hồ sơ của liên danh, sau đó thông báo để doanh nghiệp kịp thời chỉnh sửa, đảm bảo đủ điều kiện trúng thầu. Kết quả, liên danh này trúng gói thầu trị giá hơn 298 tỷ đồng, và tiến hành thi công. Cầu Vĩnh Tuy 2 đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2023. Đưa hơn 12 tỷ đồng cho 13 cá nhân BQLDA Hà Nội Ngoài ra, Tập đoàn Thuận An và Công ty Cầu 7 Thăng Long còn chi hơn 12 tỷ đồng cho 13 cá nhân thuộc BQLDA Hà Nội, đơn vị tư vấn đấu thầu và tổ tư vấn giám sát. Trong đó, cơ quan điều tra xác định, ông Phạm Hoàng Tuấn (cựu Giám đốc BQLDA): nhận 2 tỷ đồng; Ông Nguyễn Chí Cường (cựu Phó Giám đốc BQLDA), nhận 2 tỷ đồng; Ông Phạm Văn Duân (cựu Giám đốc Ban QLDA giai đoạn sau), nhận 2,32 tỷ đồng… Tới thời điểm điều tra, các cá nhân liên quan đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận được vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, quá trình thi công, để có tiền bù đắp các chi phí, Nguyễn Duy Hưng đã “gửi giá” hơn 9,2 tỷ đồng chênh lệch đầu vào đối với 4 đơn thi công và nhà cung cấp vật liệu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Cơ quan chức năng hiện cáo buộc, ông Nguyễn Duy Hưng phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; Phạm Thái Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội bị đề nghị về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự)... Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 30 bị can về 3 tội danh: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; “Lợi dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Sau bữa sáng ở nhà cựu Bí thư Hà Nội, Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công cầu Vĩnh Tuy 2
Admin
00:30 13/05/2025
TPO - Sau khi gặp nhau tại bữa ăn sáng ở nhà cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An nhờ Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tạo điều kiện được tham gia thi công cầu Vĩnh Tuy 2 và được chấp thuận. Để bù đắp chi phí "bôi trơn", bị can Nguyễn Duy Hưng đã gửi giá hơn 9,2 tỷ đồng.
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bị cáo buộc nhận 750 triệu của Chủ tịch Tập đoàn Thuận An