TS.Trần Văn Khải: Cần cơ chế bảo đảm thực thi tỷ lệ 40% đại biểu Quốc hội chuyên trách

Admin

TPO - TS. Trần Văn Khải đề nghị quy định rõ phẩm chất, năng lực, và cả các trường hợp không đủ điều kiện ứng cử. Quá trình hiệp thương phải thực chất, lấy ý kiến cử tri phải minh bạch và kịp thời loại bỏ những người không đủ uy tín. 

Siết chặt quy trình

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải. Ảnh: Như Ý

Nêu con số tỷ lệ đại biểu Quốc hội dưới 40 tuổi của khóa XV chỉ là 9,4%, ông Khải cho rằng, cần có chính sách trẻ hóa đội ngũ đại biểu. “Việc tăng cường đại biểu trẻ sẽ góp phần nâng tính đại diện, mang đến những tiếng nói mới, phản ánh tốt hơn tâm tư của cử tri trẻ và các tầng lớp năng động trong xã hội”, ông Trần Văn Khải cho hay.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hà Nam cũng kiến nghị nâng tiêu chuẩn và siết chặt quy trình sàng lọc ứng viên. “Phải quy định rõ về phẩm chất, năng lực, và cả các trường hợp không đủ điều kiện ứng cử. Hiệp thương phải thực chất, lấy ý kiến cử tri phải minh bạch và kịp thời loại bỏ những người không đủ uy tín” ông Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Theo đại biểu, các đề xuất sửa luật lần này hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, về mặt chính trị, Nghị quyết 27-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu nâng chất lượng đại biểu, tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm. Trước đó, Nghị quyết 18-NQ/TW cũng chỉ rõ “cơ cấu đại biểu dân cử chưa phù hợp, chất lượng còn hạn chế”.

Về mặt pháp lý, theo ông, Hiến pháp 2013 xác định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tuy Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định ít nhất 40% ĐBQH là chuyên trách, nhưng Luật Bầu cử hiện hành chưa có cơ chế bảo đảm thực thi tỷ lệ này.

Về thực tiễn, kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV cho thấy 99,8% đại biểu có trình độ đại học trở lên, nhưng chỉ 38,67% là chuyên trách. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này đã có 3 đại biểu bị bãi nhiệm, 9 đại biểu xin thôi nhiệm vụ vì nhiều lý do, trong đó có vi phạm pháp luật.

“Từ những con số và thực trạng trên, có thể thấy chất lượng và cơ cấu đại biểu vẫn còn những bất cập. Cử tri mong muốn đại biểu phải ‘đủ đức, đủ tài’. Việc sửa luật lần này cần tạo được cơ sở pháp lý vững chắc để đáp ứng kỳ vọng đó,” ông Khải nói.

Rút ngắn 28 ngày so với luật hiện hành

Sáng cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đã trình Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Luật sửa đổi này sẽ được sửa theo hướng điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số quy trình, thủ tục trong công tác bầu cử, nhưng vẫn phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.

Về thời điểm bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026.

Khi không thực hiện mô hình cấp huyện, dự thảo luật đề xuất quy định UBND cấp xã quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu mà không cần cấp trên phê chuẩn. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu.

Bên cạnh đó, số lượng thành viên ủy ban bầu cử ở cấp xã cũng được đề xuất tăng từ 9 đến 15 người, thay vì 9 -11 người như hiện hành, do số lượng tổ bầu cử ở cấp xã có thể tăng lên do sáp nhập.

Cũng trong lần sửa đổi này, các quy định về thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử cũng được đề xuất giảm. Dự thảo luật dự kiến quy định từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày, rút ngắn 28 ngày so với luật hiện hành.

Rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao
Hôm nay, Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Chủ tịch Quốc hội: Dự kiến bầu cử Quốc hội sớm hơn với 500 đại biểu
Chủ tịch Quốc hội: Dự kiến bầu cử Quốc hội sớm hơn với 500 đại biểu