Lễ trao giải thưởng Hội 'Nhà may mắn' đoạt giải nhất cuộc thi Lan tỏa năng lượng tích cực lần 5Chế tạo găng tay phản hồi xúc giác, sinh viên Bách khoa giành giải nhất Sáng tạo trẻ 2024
Sau nhiều năm, giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mới có giải nhất
Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2024 vừa trao giải nhất cho cuốn sách ‘Dấu xưa lưng chừng núi - một vùng bản sắc Ca Dong’ của tác giả Nguyễn Đăng Vũ.
Với nguồn tư liệu phong phú, chủ yếu được sưu tầm từ thực địa, trải dài trong nhiều năm, tác giả cung cấp cho người đọc bức tranh khá đầy đủ về văn hóa người Ca Dong ở Quảng Ngãi từ những tri thức vòng đời, tri thức canh nông đến những phong tục tập quán, những quan niệm tâm linh thẳm sâu trong cuộc sống con người.
Công trình được tác giả thực hiện bằng những thao tác phân tích, biện giải khoa học và bằng cả tấm lòng say mê, trân quý bản sắc văn hóa một tộc người.
"Tôi đã ở nơi lưng chừng núi này nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, để lắng nghe, để chứng kiến những cuộc viễn du về miền quá khứ của họ; để nghe những miền ảo mộng tràn ra khắp các núi đồi, sông suối, ngấm vào thịt da bao lớp trẻ;
Để nghe bao lời dạy dỗ con cái phải biết yêu thương con người, phải biết cần mẫn lên rẫy lên nương, phải biết sống hòa hợp cùng đại ngàn", tác giả Nguyễn Đăng Vũ chia sẻ về quá trình ông sưu tầm tư liệu để viết cuốn sách hơn 500 trang này.
Số lượng dự giải tăng
Giải nhì B là công trình sưu tầm giới thiệu sử thi Bahnar: Bia Phu đeo đá (Bia Phu teo tomo), song ngữ Việt - Bahnar do Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa sang tiếng Việt.
Đây là tác phẩm sử thi khá dày dặn trong bộ sử thi liên hoàn của người Bahnar ở Kon Tum.
Ngoài ra Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam còn trao giải 3A cho 5 công trình, giải 3B cho 14 công trình, giải khuyến khích cho 24 công trình.
Theo ông Lê Hồng Lý, năm 2024 đã nhận được 75 công trình thuộc 5 chuyên ngành văn hóa, văn nghệ dân gian.
Năm nay số lượng tham dự giải tăng hơn so với năm trước, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu. Số lượng công trình tăng nhiều ở chuyên ngành phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa dân gian.
Các công trình về văn học dân gian các dân tộc thiểu số năm nay đa phần đã được thể hiện dưới dạng song ngữ. Tại buổi lễ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho một số nghệ nhân.