Sẽ không khống chế tỉ lệ học sinh vào lớp 10 công lập

Admin

TP - Từ năm 2025, sẽ không khống chế tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập trên toàn quốc. Đây là nội dung đang được Bộ GD&ĐT xây dựng trong Nghị định Quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

Không phải cứ học sinh yếu mới đi học nghề

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, quan niệm học sinh có học lực trung bình/yếu không nên thi lớp 10, nên đi học nghề là sai lầm. Vì không phải cứ học sinh yếu mới đi học nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đầu vào tuyển sinh rất cao, có học sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT trên 27 điểm.

Định hướng nghề nghiệp là giúp các em nhìn thấy tương lai và việc học như thế nào để phù hợp với năng lực, sở trường, đam mê là quyền lựa chọn của học sinh.

Sẽ không khống chế tỉ lệ học sinh vào lớp 10 công lập ảnh 1

Học sinh Hà Nội thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Theo ông Ngọc, việc tư vấn, hướng nghiệp cần phải thực tế hơn, cụ thể hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Việc hướng nghiệp, hiện việc phân luồng thực hiện chưa bài bản, không liên tục và muộn. Nhiều nước trên thế giới, học sinh được định hướng, trải nghiệm nghề nghiệp từ rất sớm với nhiều hình thức khác nhau và không theo chỉ tiêu, kế hoạch.

Việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phân luồng học sinh sau THCS, theo ông Ngọc, là định hướng về mặt chủ trương. Điều quan trọng là cách thức triển khai như thế nào? Mỗi trường học cần xây dựng chương trình định hướng, tư vấn nghề nghiệp từ sớm, phối hợp với cha mẹ học sinh, tạo ra cho học sinh không gian để trải nghiệm.

Theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành, tỉ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên THCS đạt 99,5%, từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt 95%. Như vậy, Chính phủ không còn đặt ra tỉ lệ học nghề sau THCS 30 – 40% như giai đoạn trước.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, chương trình 2006 đã “bỏ qua” phần tư vấn hướng nghiệp, chương trình 2018 đã chú ý đến vấn đề này nhưng trong thiết kế mới chỉ dành một số tiết nhất định để tư vấn hướng nghiệp.

Học sinh học kiểu “cưỡi ngựa, xem hoa" hoặc một số trường không chú trọng nên khó có thể “ngấm”. Chỉ một số trường phổ thông ngoài công lập, việc hướng nghiệp, phân luồng được thực hiện xuyên suốt, liên tục và có tiến trình phù hợp với từng giai đoạn của học sinh.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, không nên đưa chỉ tiêu “cứng” định lượng trong phân luồng sau THCS, THPT. Học sinh học tiếp sau các bậc học phụ thuộc vào năng lực của người học ở từng địa phương, chất lượng giáo dục nghề nghiệp hay các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, rất khó phụ thuộc vào ý chí người triển khai chính sách.

“Nếu áp dụng cứng nhắc có thể dẫn tới những bất cập. Thực tế đã xảy ra tình trạng một số trường có hiện tượng giáo viên vận động học sinh có học lực chưa tốt không thi vào lớp 10 THPT công lập”, ông Nam nói. Ông Nam đề xuất, cần cụ thể hóa các quy định trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; làm rõ những “luồng” mà học sinh tốt nghiệp THCS có thể theo học để phát triển nghề nghiệp bền vững. Bảo đảm liên thông giữa các chương trình đào tạo.

Tiếp theo, cần tăng cường chính sách lao động, việc làm và tiền lương, cơ hội phát triển nghề nghiệp với những người lao động ở trình độ giáo dục nghề nghiệp. Cải thiện chất lượng giáo dục hướng nghiệp và triển khai tư vấn hướng nghiệp, trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh từ sớm để các em sớm hiểu được năng lực bản thân và thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động, các con đường sau THCS, THPT…

Phải đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh

Theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành, tỉ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên THCS đạt 99,5%, từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt 95%. Chiến lược này có hiệu lực từ năm 2025. Như vậy, Chính phủ không còn đặt ra tỉ lệ học nghề sau THCS 30 - 40% như giai đoạn trước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ về quá trình xây dựng chiến lược trong 2 năm qua, trong đó Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến nhiều lần từ các bộ, ngành về từng chỉ tiêu của chiến lược. Riêng về tỉ lệ phân luồng sau THCS, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, hiện chưa có căn cứ thuyết phục về tỉ lệ này.

Căn cứ của phân luồng, hướng nghiệp là dựa trên nhu cầu tự nguyện của học sinh, còn Nhà nước phải đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh. Cùng đó, cần giải tỏa cho các địa phương về tỉ lệ phân luồng, hướng nghiệp để đảm bảo đầu tư đủ trường, lớp.

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện đơn vị này đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục bao gồm các yếu tố như bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực của quốc gia và địa phương trong từng giai đoạn.

Bảo đảm quyền được định hướng nghề nghiệp và được tôn trọng lựa chọn hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh. Hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phải đảm bảo tính hệ thống, liên tục.

Các hoạt động hướng nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tiễn và tích hợp vào chương trình giáo dục, đào tạo; công tác hướng nghiệp, phân luồng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng và liên thông giữa các luồng giáo dục, đào tạo… Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố là xác định tỉ lệ phân luồng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trong đó, địa phương phải bảo đảm 100% học sinh THCS và THPT được tiếp cận dịch vụ hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp; ít nhất 20% người học trong độ tuổi từ 15-25 theo học giáo dục nghề nghiệp; tỉ lệ chuyển tiếp từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt ít nhất 95%.

Lợi ích khi bỏ áp đặt chỉ tiêu phân luồng

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhận định, khi không bị áp đặt chỉ tiêu phân luồng, nhà trường sẽ không chạy theo bệnh thành tích, kiểm soát tốt việc dạy thêm, học thêm. Các địa phương không bị áp đặt chỉ tiêu phân luồng sẽ ưu tiên mở trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Bà Hoa cho rằng, định hướng về phân luồng để hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả phân luồng nhìn chung rất thấp.

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS bình quân cả nước là 17,8%. Một số địa phương chỉ đạt dưới 12%; cách xa so với chỉ tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%).

Sẽ không khống chế tỉ lệ học sinh vào lớp 10 công lập ảnh 2

Không còn chỉ tiêu phân luồng, học sinh tốt nghiệp THCS được đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục THPT. Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Với kết quả này, mục tiêu phân luồng đã không đạt, bao gồm cả tiêu chí “tăng thợ, giảm thầy” theo yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kéo theo đó là một số những bất cập trong giáo dục như áp lực thi tuyển sinh lớp 10 ngày một lớn, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan làm gia tăng chi phí phụ huynh đầu tư cho con để cạnh tranh suất học tại trường trung học phổ thông công lập.

“Theo tôi, bản chất của phân luồng học sinh sau THCS là nhằm định hướng cho người học lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh của bản thân; đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế, góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo”, bà Hoa bày tỏ.

Đáng mừng là trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 chỉ đặt mục tiêu đạt tỉ lệ học sinh từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt 95%, không còn đặt ra tỉ lệ học nghề sau THCS như giai đoạn trước.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, để phân luồng học sinh sau THCS thành công, các địa phương có trách nhiệm đảm bảo trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, bao gồm cả hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng. Nhà nước cần có chính sách về lao động việc làm, chính sách tiền lương và các chính sách khác đối với người lao động qua đào tạo nghề; gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.