Tăng tốc tháo gỡ điểm nghẽn cho dự án năng lượng tái tạo: Đòn bẩy cho tăng trưởng xanh

Admin

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu trong tháng 5/2025, tất cả các bộ, ngành và địa phương có dự án điện năng lượng tái tạo tồn đọng phải hoàn tất việc rà soát, phân loại và đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án...

Chiều 15/4/2025, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Ban Chỉ đạo 751 đã tổ chức cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo...

Đây là một trong những lĩnh vực then chốt nhưng đang bị mắc kẹt bởi hàng loạt nút thắt pháp lý, từ thủ tục đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đến giá điện ưu đãi (FIT).

ĐÃ RÕ LỘ TRÌNH, CẦN PHẢI HÀNH ĐỘNG

Từ ngày 10/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 233/NQ-CP, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt “phải gỡ bằng được” các nút thắt đang níu chân các dự án năng lượng tái tạo, nhất là khi Việt Nam đang dần tiến tới tỷ lệ công suất nguồn điện sạch cao hơn trong cơ cấu cung ứng điện quốc gia.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 2/2025, một số địa phương vẫn chưa có báo cáo về kết quả giải quyết vướng mắc, trong khi một số khác lại gửi báo cáo chưa đầy đủ, thiếu chi tiết.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có dự án năng lượng tái tạo cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ rà soát, xử lý các khó khăn theo thẩm quyền. Tuy nhiên, tiến độ triển khai tại một số địa phương vẫn còn chậm trễ.

Thực tế, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với một loạt vướng mắc “kinh niên” như: thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vướng mắc khi xác định giá FIT, nghiệm thu công trình xây dựng, xử lý các hợp đồng điện mặt trời mái nhà đầu tư trên đất nông nghiệp dưới mô hình trang trại…

Bộ Công Thương đã kiến nghị Ban Chỉ đạo 751 yêu cầu các tỉnh, thành có dự án tái tạo chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan liên quan, khẩn trương xử lý dứt điểm các thủ tục về đất đai, rừng, để sớm đưa các dự án vào vận hành. Đồng thời, đối với những dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn, EVN cũng cần nhanh chóng rà soát, báo cáo kết quả giải quyết lên Chính phủ, không để kéo dài tình trạng ách tắc hồ sơ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định: "Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, không thể để năng lượng tái tạo, lĩnh vực giữ vai trò xương sống cho công nghiệp hóa xanh, tiếp tục bị mắc kẹt trong mớ bòng bong thủ tục hành chính và sự thiếu quyết liệt trong phối hợp giữa các cấp, các ngành".

KHÓ KHĂN KHÔNG NẰM Ở CƠ CHẾ, MÀ DO CÁCH THỰC HIỆN

Tại cuộc họp Phó Thủ tướng đã chỉ ra thực trạng: nhiều địa phương đã có hướng dẫn, có cơ chế nhưng chưa thực sự tích cực tháo gỡ cho doanh nghiệp, còn có hiện tượng "đẩy trách nhiệm", "né tránh", "đá bóng lên xuống". Phó Thủ tướng yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, cá nhân trong việc xử lý hồ sơ dự án, đặc biệt với những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai, giá điện, chuyển đổi rừng, nông lâm nghiệp.

"Chúng ta đã có đủ cơ chế, chính sách rõ ràng. Cái cần lúc này là sự chủ động và quyết tâm hành động của từng bộ, từng địa phương. Nếu chậm, phải nêu rõ lý do, ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ ấy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu trong tháng 5/2025, tất cả các bộ, ngành và địa phương có dự án điện năng lượng tái tạo tồn đọng phải hoàn tất việc rà soát, phân loại và đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án. Những nội dung nào thuộc thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành ấy phải chịu trách nhiệm xử lý; không được đẩy về Chính phủ những việc mà mình có thể tự giải quyết.

Với vai trò trụ cột, EVN cũng được giao nhiệm vụ rà soát toàn bộ các dự án điện tái tạo có tranh cãi liên quan đến giá FIT, điện mặt trời mái nhà trên đất nông lâm nghiệp để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, sớm thống nhất phương án xử lý theo quy định. Các địa phương có trách nhiệm phối hợp với EVN và các công ty điện lực cung cấp đầy đủ thông tin, bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong quá trình giải quyết.

Không chỉ là giải quyết các dự án cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 751 phải đóng vai trò là "nhạc trưởng" để tổng hợp, phân loại và đề xuất các cơ chế mới, nếu cần thiết, nhằm giải quyết tận gốc những vướng mắc đã và đang cản trở sự phát triển của điện năng lượng tái tạo trong suốt thời gian qua.

GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ “NÚT GỠ” CHO TĂNG TRƯỞNG XANH

Bối cảnh hiện tại cho thấy, Việt Nam không chỉ đối mặt với bài toán thiếu hụt năng lượng trong ngắn hạn mà còn chịu áp lực phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng xanh hóa, bền vững, thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Việc giải phóng nguồn lực từ các dự án điện năng lượng tái tạo không chỉ giúp tăng công suất nguồn cung, mà còn mở ra cơ hội cho hàng nghìn tỷ đồng đầu tư tư nhân, nội địa và FDI chảy vào nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhận định: Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là tháo gỡ cho các dự án năng lượng, sẽ tạo động lực then chốt giúp nền kinh tế bứt tốc. Trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng cường tiêu chuẩn xanh, đòi hỏi khắt khe về nguồn cung điện sạch đối với chuỗi cung ứng, sự chậm trễ trong phát triển năng lượng tái tạo có thể làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ thu hút FDI.

Ngoài ra, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về giảm phát thải cũng như bảo đảm lộ trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là vấn đề danh tiếng quốc gia, mà còn là yếu tố quyết định cho các khoản đầu tư chiến lược vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, logistics, đô thị hóa trong giai đoạn tới.

"Các dự án điện năng lượng tái tạo nếu tiếp tục bị chậm trễ thì sẽ không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội mà còn làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư của Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế, nhiều dự án năng lượng tái tạo có suất đầu tư hàng trăm triệu USD mỗi dự án vẫn đang phải "đắp chiếu" vì các nút thắt kéo dài, khiến chi phí tài chính tăng vọt, tiến độ chậm trễ, rủi ro phát sinh. Trong khi đó, việc sớm tháo gỡ, đưa dự án vào vận hành không chỉ giúp tăng sản lượng điện sạch cho nền kinh tế mà còn đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ban Chỉ đạo 751 và các bộ, ngành, địa phương không chỉ xử lý từng trường hợp cụ thể mà phải chủ động tổng hợp, đề xuất giải pháp lâu dài, có tính hệ thống để tháo gỡ triệt để các vướng mắc.

Trong bối cảnh quốc tế đang biến động, chỉ khi khơi thông được dòng chảy đầu tư, nhất là vào năng lượng sạch, Việt Nam mới có thể tự tin bứt phá, sẵn sàng đón những làn sóng dịch chuyển sản xuất, đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển.