Thi tốt nghiệp THPT 2023: Các tình huống thí sinh vi phạm bị xử lý

Admin

TP - Chỉ còn ít ngày nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023. Các em cần lưu ý về trách nhiệm của thí sinh và các tình huống vi phạm sẽ bị xử lý.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bạch, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý cán bộ tham gia công tác tổ chức thi, cán bộ coi thi nhắc nhở nhiều lần về quyền lợi, trách nhiệm của thí sinh trước giờ thi. Kỳ thi diễn ra từ ngày 28-29/6; trước đó 1 ngày, các em đến điểm thi để nghe phổ biến quy chế, trong đó phải đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của thí sinh và xử lý vi phạm.

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Các tình huống thí sinh vi phạm bị xử lý ảnh 1

Thí sinh cần lưu ý các tình huống bị xử lý trước ngày thi. ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Điều 54 Quy chế thi Tốt nghiệp quy định, mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật. Thí sinh vi phạm lỗi 1 lần, nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác, sẽ bị xử lý khiển trách. Thí sinh bị khiển trách trong bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi đó.

Thí sinh sẽ bị xử lý cảnh cáo nếu vi phạm một lần các lỗi như đã bị khiển trách một lần trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác, chép bài hoặc để thí sinh khác chép bài của mình. Lỗi này sẽ bị trừ 50% số điểm bài thi.

Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi nếu vi phạm một trong các lỗi như: đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp và ra khỏi phòng thi. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi/môn thi trong kỳ thi năm đó.

Bà Bạch cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội có tới 6 thí sinh vi phạm quy chế thi, mang điện thoại vào phòng thi và bị lập biên bản rất đáng tiếc. Do đó, trước khi vào phòng thi, thí sinh phải gửi toàn bộ đồ đạc, vật dụng cá nhân ở cách phòng thi 25 mét. “Trước khi phát đề thi, cán bộ coi thi cũng được yêu cầu nhắc nhở nhiều lần thí sinh kiểm tra lại một lần nữa, tránh trường hợp có thí sinh quên điện thoại trong túi quần áo”, bà Bạch nói.

Chặn lộ lọt đề thi

Theo Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội, đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Cần phải coi trọng việc phòng ngừa, muốn vậy trước kỳ thi phải nhấn mạnh để thí sinh hiểu rõ việc làm lộ đề thi để lại hậu quả rất lớn.

Theo ông Hải, các thiết bị gian lận thi công nghệ cao ngày càng tinh vi, dễ dàng cất giấu trong người hoặc ngụy trang để công khai tại vị trí thí sinh ngồi như: bút, hộp bút, máy tính, cúc áo, mắt kính… Các thiết bị này sẽ lắp kèm sim và tai nghe hạt đậu, có gắn camera siêu nhỏ ngụy trang để chụp hoặc quay đề chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, thí sinh gian lận sẽ có các biểu hiện bất thường như để tóc xõa, mặc áo dài tay, hay úp tay vào tai, tìm cách chụp đề… nên cán bộ coi thi theo dõi sẽ phát hiện ra.

Kỳ thi cũng có quy định cho phép thí sinh mang những vật dụng hỗ trợ sức khỏe như máy trợ thính. Thí sinh được lưu ý, trường hợp đặc biệt phải báo cáo với điểm thi để lực lượng an ninh phối hợp kiểm tra thiết bị trước khi được phép đưa vào phòng thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trong ngày thi, đúng 7 giờ 30 phút đã phát đề thi và sau 5 phút sẽ có hiệu lệnh tính giờ làm bài, thí sinh phải đến điểm thi trước đó 1 giờ để làm các thủ tục cần thiết. Sát ngày thi, phụ huynh lưu ý nhắc nhở thí sinh ăn ngủ đúng giờ giấc, đồng hành với con tránh tình trạng nhầm đường, đi muộn.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đặc biệt, thời tiết năm nay cực đoan, khi nắng gắt, khi mưa to bất ngờ nên phải có phương án ứng phó, không bị động.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói rằng, kỳ thi có quy mô lớn, phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, thậm chí cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu chung là vì học sinh. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, lấy phát hiện, ngăn ngừa, phòng ngừa là chính để bảo vệ cán bộ, học sinh và mọi khâu của kỳ thi đều phải có kiểm tra, giám sát.