Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, được cụ thể hóa tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cục Môi trường cho biết: Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 6/1/2025 của Chính phủ và Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT ngày 28/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, quy định rõ các đối tượng thực hiện trách nhiệm, linh hoạt trong việc tái chế một số loại bao bì và quy định rõ hơn về các giải pháp tái chế giúp việc triển khai EPR được thực hiện rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, đây là chính sách quan trọng thúc đẩy tái chế, giảm thiểu tác động tới môi trường thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu cũng như các đơn vị tái chế, xử lý, nhận ủy thác thực hiện...
QUY ĐỊNH, LỘ TRÌNH VỀ EPR VỚI CÁC NHÀ SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU
Tại hội thảo thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu- EPR mới đây, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh cơ sở pháp lý đã quy định đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện EPR lựa chọn hình thức tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế.
Thông tin chi tiết về các quy định mới về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Phan, Văn phòng EPR, cho biết trước khi có quy định về EPR, một phần bao bì có giá trị sẽ được thu hồi và bán, còn phần lớn bao bì sau khi sử dụng được thải trực tiếp ra môi trường.
Tuy nhiên, khi Việt Nam đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nhất khi áp dụng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất bắt buộc nhà sản xuất nhập khẩu phải tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Cụ thể, với các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì có giá trị tái chế sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Các đơn vị có thể được lựa chọn một trong hai hình thức: tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ hoạt động tái chế.
Đối với nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì không có giá trị tái chế hoặc khó khăn trong quá trình thu gom và xử lý chất thải sẽ phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và chỉ được lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Văn Phan cho biết hiện nay đã có đầy đủ các quy định pháp lý để các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm này.
Nghị định số 05/2025/NĐ-CP vừa ban hành đã điều chỉnh sửa đổi theo hướng trách nhiệm của năm trước thì đến năm sau các nhà sản xuất nhập khẩu mới phải thực hiện.
Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và một số loại bao bì có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024 và thời điểm thực hiện trách nhiệm trong năm 2025.
Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và thực hiện trách nhiệm từ năm 2026.
Với nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027 và thực hiện trách nhiệm trong năm 2028.
Đối với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, thuốc lá,… một số sản phẩm nhựa tổng hợp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Ông Phan thông tin có sáu nhóm bao bì sẽ phải thực hiện trách nhiệm, đó là nhà sản xuất bao bì thực phẩm (trừ bao bì kẹo sao su); mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chế phẩm tẩy rửa gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng…
MỞ TƯƠNG LAI CHO TÁI CHẾ XANH, THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN
Một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định số 05/2025/NĐ-CP vừa ban hành, đó là quy định rõ việc loại trừ EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì.
Cụ thể, đó là những nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm; nhà sản xuất bao bì mà bao bì đó được chính nhà sản xuất đó thu hồi, đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường với tỷ lệ bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc.
EPR được xem là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, đã được thực hành ở nhiều quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và đem lại nhiều kết quả tích cực.

Để tạo cơ sở cho các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì sản phẩm đóng góp tài chính để hỗ trợ việc tái chế, Việt Nam đã quy định cụ thể về định mức chi phí tái chế (Fs). Việc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được xác định bằng công thức: F = R x V x Fs.
Trong đó, F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo từng loại sản phẩm, bao bì; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường trong năm có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Chi phí tái chế áp dụng hệ số điều chỉnh thể hiện mức độ thu gom và giá trị tái chế của sản phẩm, bao bì; sản phẩm, bao bì có tỷ lệ thu gom cao, giá trị tái chế cao thì có hệ số điều chỉnh thấp; sản phẩm, bao bì có tỷ lệ thu gom thấp, giá trị tái chế thấp thì hệ số điều chỉnh cao.
Chi phí quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu bằng 2% của chi phí tái chế.
Theo quy định, việc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của nhà sản xuất, nhập khẩu được thực hiện theo mốc thời gian cụ thể.
Đại diện Văn phòng EPR lưu ý: theo quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu tự kê khai và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3 hằng năm bản kê khai số tiền đóng góp tài chính đối với sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường của năm liền trước theo mẫu quy định. Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong bản kê khai.
Trước ngày 20/4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp đủ tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì đã kê khai quy định vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì và chi quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Đây là lần đầu tiên định mức Fs được ban hành và theo quy định khoảng thời gian ba năm, cơ quan quản lý sẽ rà soát sửa đổi, cập nhật, điều chỉnh một lần cho phù hợp với thực tế thị trường, chi phí tái chế.
Theo các chuyên gia, định mức Fs là chìa khóa thực hiện trách nhiệm EPR. Nếu không có Fs sẽ không có cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình. Hơn nữa, nếu thiếu Fs sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ký kết hợp đồng giữa các đơn vị tái chế được thuê hoặc được ủy quyền với nhà sản xuất, nhập khẩu. Chính vì vậy, Fs mới được ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện tuân thủ nghiêm trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của mình.
HÀNG HÓA XUẤT KHẨU PHẢI CÓ TỶ LỆ TÁI CHẾ BẮT BUỘC
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, một chuyên gia lĩnh vực EPR nhận xét: hiện nay ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ. Một số sản phẩm hàng hóa sau khi người tiêu dùng thải bỏ chưa có nhà tái chế để thực hiện tái chế. Do đó, Fs là công cụ, giải pháp mở ra sự lựa chọn cho các nhà sản xuất, hoặc là tự tổ chức tái chế, hoặc là đóng góp tài chính.
Các nhà sản xuất có thể làm việc với các đơn vị tái chế để thực hiện tái chế, hoặc có thể lựa chọn phương án đóng tiền. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ cân nhắc lựa chọn phương án hiệu quả về mặt kinh tế để thực hiện trách nhiệm tái chế.

Fs là cơ sở để các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trong trường hợp không thực hiện tái chế mà muốn đóng tiền. Các chuyên gia cho rằng định mức Fs đúng, đủ, phù hợp sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động tái chế bao bì, sản phẩm, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ, tránh ô nhiễm môi trường; đồng thời khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất thay đổi thiết kế bao bì thân thiện môi trường.
Theo các chuyên gia, việc nhận thức đầy đủ trách nhiệm EPR của các nhà sản xuất, nhập khẩu không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần giúp bảo vệ môi trường.
“Việc triển khai EPR bắt đầu từ năm 2024 khi mỗi sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp muốn xuất khẩu ra thị trường quốc tế phải có tỷ lệ tái chế bắt buộc trong sản phẩm này. Năm 2025, các mặt hàng như: sắt, thép, nhôm, phân bón, xi măng… sẽ cần tăng cường tỷ lệ tái chế, xử lý bao bì sản phẩm nếu muốn xuất khẩu. Đây là những yêu cầu bắt buộc mà các thị trường quốc tế sẽ áp dụng”, ông Hồ Kiên Trung lưu ý.
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ tái chế EPR là rất cần thiết, không chỉ giảm thiểu chất thải, giúp môi trường ngày càng xanh, sạch hơn mà còn giúp sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp có thể cạnh trạnh tồn tại, duy trì xuất khẩu, sản phẩm bảo đảm tính bền vững trên thị trường quốc tế.
Phân tích điều này, ông Trung dẫn chứng trong lĩnh vực may mặc, trước đây Việt Nam gần như đứng top đầu thế giới về xuất khẩu; nhưng từ năm 2024, đã tụt xuống vị trí sau do tỷ lệ tái chế trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, trong khi việc mua nguyên vật liệu tái chế từ nước ngoài chi phí rất đắt.
Chính vì thế, việc hình thành, phát triển tái chế trong nước rất cần thiết và hiệu quả để tăng tỷ lệ tái chế cho từng sản phẩm mặt hàng muốn xuất khẩu. Đại diện Cục Môi trường kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia vào thực hiện EPR để phát triển bền vững hơn, bảo vệ môi trường, góp phần hình thành ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam trong tương lai.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã giao cho Cục Môi trường tiếp tục hoàn thiện các quy định về EPR để khắc phục những bất cập tồn tại, đưa EPR vào triển khai thực hiện ổn định. Theo kế hoạch, dự kiến cuối năm 2025 sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định để hoàn thiện quy định về EPR.
Việc thực thi trách nhiệm EPR sẽ giúp doanh nghiệp được nâng cao nhận thức, thực thi một cách trách nhiệm hơn nghĩa vụ với bảo vệ môi trường; từ đó, đáp ứng với những quy định ngày một cao về “tiêu chuẩn xanh” của các thị trường, nhất là trong lĩnh vực dệt may. Không chỉ tạo thêm dư địa xuất khẩu cho các ngành hàng, thực thi EPR còn góp phần quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2025 phát hành ngày 17/3/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1331
