Ngày 17/4, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, cho biết: Thành phố đã nhận được phương án
Lực lượng chức năng đã khoanh vùng và cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực có vật chướng ngại.
"Trước hết, thành phố triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và du khách còn việc trục vớt sà lan cần có sự chọn lọc phương án tối ưu nhất vì tốn kém kinh phí rất lớn", ông Minh nói.
Ông Đàm Hải Vân - Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết: Theo báo cáo đề xuất phương án và dự toán kinh phí trục vớt sà lan bị chìm tại khu vực bờ biển đối diện số 80 đường Trần Phú mà ban đã gửi lên TP. Nha Trang, thời gian thực hiện trục vớt dự kiến khoảng 15-20 ngày và kinh phí dự trù khoảng 700-800 triệu đồng
![]() |
Sà lan mắc cạn tại bãi biển Nha Trang cuối năm 2019. Ảnh: X.H. |
"Sau khi xác định được vị trí chính xác của sà lan thì có thể dùng máy hút lượng cát xung quanh sà lan, sử dụng thiết bị cắt oxy-gas để cắt kim loại tạo lỗ móc cáp. Lực lượng trục vớt sẽ dùng xe đào mở bờ biển tạo rãnh kích thước bằng sà lan rồi dùng thiết bị chuyên dụng chia nhỏ sà lan và đưa lên bờ", ông Vân cho hay.
Như Tiền Phong đã thông tin, nhiều người dân và du khách khi tắm biển ở khu vực đối diện số 80 đường Trần Phú đã bị vật cứng, sắc cứa vào chân gây thương tích. Những vật chướng ngại bị chìm dưới lớp cát này liên quan đến sự cố mắc cạn của sà lan mang số đăng ký KH-98668TS xảy ra vào cuối năm 2019.
Sau đó, UBND TP. Nha Trang đã giao Ban Quản lý vịnh Nha Trang và các đơn vị liên quan lập phương án để trục vớt sà lan bị chìm dưới cát nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi tắm biển.