Trung tâm tài chính quốc tế mở đường cho Fintech Việt bước ra thế giới

Admin

Trong bối cảnh Fintech (công nghệ tài chính) đang đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế (IFSCs) được đánh giá là sẽ tạo đà thuận lợi giúp Fintech Việt xác lập vị thế trong khu vực của ASEAN và châu Á.

Trung tâm tài chính quốc tế mở đường cho Fintech Việt bước ra thế giới ảnh 1

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Shutterstock)

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 259, trong phiên họp ngày 17/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 9 sắp tới. Giới chuyên gia cho rằng, động thái mới của các cơ quan quản lý Nhà nước đã cho thấy tầm quan trọng của việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế trong việc tạo ra hạ tầng số hóa đồng bộ, chuẩn hóa pháp lý, thúc đẩy kết nối quốc tế. Đây đồng thời cũng là những yếu tố cốt lõi thúc đẩy ngành Fintech nội địa thuận lợi tiếp cận dòng vốn đầu tư, mở rộng dịch vụ xuyên biên giới và tăng tốc đổi mới sáng tạo.

Trung tâm tài chính quốc tế mở ra cơ hội phát triển Fintech

Tháng 2/2025 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Để đạt được các mục tiêu này Việt Nam cần có sự đột phá về khoa học công nghệ, con người, đặc biệt là huy động nguồn lực tài chính thông qua các định chế mới. Do đó việc hình thành nên một thị trường tài chính hoàn chỉnh, có vị thế trong khu vực và quốc tế là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu này.

Một mô hình Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại đồng thời là một hệ sinh thái tài chính toàn diện sẽ được số hóa và kết nối toàn cầu, phục vụ nhu cầu đa dạng từ thanh toán, đầu tư, quản trị tài sản, bảo hiểm và tài sản số. Quá trình vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế khi được gắn liền với cơ chế chính sách đặc thù, hạ tầng hiện đại và khung pháp lý chặt chẽ, sẽ tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư hiệu quả cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy kinh tế vĩ mô phát triển bền vững.

Thực tiễn từ các quốc gia trong khu vực và quốc tế cho thấy, trong kỷ nguyên công nghệ, một Trung tâm tài chính được quy hoạch bài bản sẽ đóng vai trò dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Đơn cử tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) thực hiện song song chính sách hỗ trợ khởi nghiệp với việc thử nghiệm các mô hình công nghệ mới trong thanh toán, quản lý tài sản và ngân hàng số. Cùng với đó, sự hiện diện của Marina Bay Financial Centre hay Lattice 80 (các không gian dành riêng cho các Startup tài chính) cũng góp phần đưa quốc đảo trở thành điểm đến của những công ty Fintech hàng đầu. Theo báo cáo của Đại học Quốc gia Singapore, Singapore được nhiều công ty Fintech coi là “bàn đạp” để tiếp cận các thị trường ASEAN khác, hiện thu hút khoảng 40% công ty Fintech khu vực ASEAN tham gia hoạt động.

Một ví dụ khác là Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) với DIFC FinTech Hive được ví như “vườn ươm” Fintech lớn nhất Trung Đông đang hỗ trợ hàng trăm Startup công nghệ tài chính. Ngoài ra, DIFC còn phát triển các sáng kiến lớn như Dubai Blockchain Strategy nhằm tăng cường ứng dụng blockchain trong giao dịch tài chính, chứng khoán và hợp đồng thông minh…

Cơ hội nào cho Fintech Việt?

Từ câu chuyện của Singapore hay Dubai, có thể thấy, thành công của Trung tâm tài chính quốc tế sẽ là bệ phóng cho các doanh nghiệp Fintech tăng trưởng quy mô, từng bước tham gia vào hệ sinh thái toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Fintech cũng sẽ là “chìa khóa” tạo nên sự khác biệt và đột phá cho Trung tâm tài chính quốc tế.

Khi mở rộng không gian kết nối quốc tế, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ trở thành cầu nối đưa Fintech vươn xa hơn khỏi thị trường nội địa. Đồng thời, đây cũng là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp Fintech Việt tiếp cận các định chế tài chính uy tín, tăng cường cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cũng như thử nghiệm những giải pháp mới dựa trên AI, Big Data hay Blockchain…

Đón đầu cơ hội phát triển, nhiều Fintech Việt đã nhanh chóng chuẩn hóa hạ tầng công nghệ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường chuẩn hóa an ninh và bảo mật theo khung toàn cầu… để nâng cao năng lực phục vụ. Tại Viettel Digital - Doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái tài chính số Viettel Money hiện cung cấp hơn 350 dịch vụ cùng mạng lưới hàng nghìn điểm giao dịch trên toàn quốc, đã sẵn sàng đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, từ thanh toán không tiền mặt đến các dịch vụ tài chính số.

Mới đây, tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) năm 2025, Viettel Digital đã tiến hành ký kết hợp tác với loạt đối tác như: Visa để thúc đẩy tài chính số toàn diện; InsureMO để xây dựng hệ sinh thái bảo hiểm điện tử cá thể hoá... Đây được xem là những hợp tác thương mại quan trọng nhằm mở rộng hệ sinh thái triển khai công nghệ tài chính và tăng cường năng lực bảo mật của đơn vị trực thuộc Tập đoàn Viettel.

Trung tâm tài chính quốc tế mở đường cho Fintech Việt bước ra thế giới ảnh 2

Viettel Digital ký kết hợp tác cùng Visa nhằm thúc đẩy thanh toán số, mở rộng hệ sinh thái tài chính. (Nguồn: Viettel Money)

Có thể thấy, sự hình thành của Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ định vị Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho tài chính số, nơi đổi mới sáng tạo và công nghệ sẽ trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng bền vững. Và các doanh nghiệp Fintech Việt đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt để từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực tài chính số toàn cầu.