103.568 tổ cần được bố trí nơi làm việc
Sáng 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên).
“Các vụ việc vi phạm cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý sớm để kịp thời hạn chế mức thấp nhất những hậu quả cho xã hội”, đại biểu Nguyệt nêu.
Đáng lưu ý, theo đại biểu, lực lượng này đã được quy định theo hướng giảm đáng kể, từ dự kiến 1,8 triệu, hiện còn khoảng 300.000 người trong toàn quốc, từ đó kinh phí cũng giảm đi.
Theo đại biểu đoàn Điện Biên, khi thu gọn từ 3 đầu mối (công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng) thành 1 đầu mối là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (tổ bảo vệ an ninh, trật tự) thì việc bố trí địa điểm làm việc sẽ đỡ áp lực hơn.
Nữ đại biểu tính toán, sau khi kiện toàn lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, trên toàn quốc dự kiến sẽ có 103.568 tổ cần được bố trí nơi làm việc. Trong khi đó, thực tiễn việc tận dụng trụ sở, nơi làm việc của lực lượng bảo vệ dân phố, hay trụ sở của UBND, công an cấp xã cũng không nhiều.
“Do đó, để đảm bảo điều kiện cơ sở làm việc, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định thêm phương án bố trí địa điểm làm việc cho các tổ bảo vệ an ninh, trật tự này”, đại biểu Nguyệt nêu.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đoàn Điện Biên cũng đề xuất, người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cần được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định.
“Cần cân đối ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách, nhất là các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, biên giới”, đại biểu Nguyệt cho hay.
Cần quan tâm đến ngân sách chi cho lực lượng khi thành lập
Thống nhất về sự cần thiết ban hành luật trên cơ sở sáp nhập ba lực lượng, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cũng kiến nghị Chính phủ, cần đánh giá tác động kỹ hơn về vấn đề tổ chức ngân sách khi thành lập lực lượng này, kể cả đánh giá tình hình thực tế về an ninh trật tự hiện nay, vấn đề thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công an xã hiện nay, việc phát huy nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
“Cần quan tâm đến ngân sách chi cho lực lượng này sau khi thành lập ở các địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ vì nếu không quy định rõ, các địa phương ngày sẽ khó khăn trong việc duy trì hoạt động của lực lượng này. Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn về ngân sách đảm bảo cho lực lượng này”, đại biểu nêu.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn TPHCM cũng đề nghị cần xác định rõ đây là lực lượng hỗ trợ công an xã. “Để quy định rõ, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chính sách tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có quy định phù hợp về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”, đại biểu Tuyết nói, đồng thời đề nghị quy định rõ mối quan hệ giữa lực lượng này với các tổ chức khác ở cơ sở để xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Như Ý) |
Vụ việc tại Đắk Lắk gióng lên hồi chuông cảnh báo
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cũng đồng tình với sự tham gia của lực lượng an ninh cơ sở trong bảo vệ an ninh. Theo đại biểu, lực lượng này cần sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã, còn nếu giao công an xã chỉ đạo thì khó hiệu quả.
Nêu vụ tấn công trụ sở UBND xã tại tỉnh Đắk Lắk và một số vụ việc mất an ninh khác xảy ra tại nhiều nơi, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, các vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tính mạng người dân cần có các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp.
"Với các trường hợp phức tạp như vậy, cần huy động các lực lượng đủ mạnh, sự tham gia của quần chúng nhân dân và báo cáo kịp thời cấp trên. Đặc biệt, bổ sung vào trong luật quy định với các trường hợp cụ thể có tính chất phức tạp về an ninh trật tự, mối quan hệ trách nhiệm huy động và biện pháp giải quyết”, đại biểu Đỗ Thị Lan cho hay.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhận định tình hình an ninh trật tự phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt vụ việc vừa qua tại Đắk Lắk gióng lên hồi chuông cảnh báo cho công tác an ninh trật tự cơ sở hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, dự thảo luật quy định giao cho địa phương quyết định số lượng tổ an ninh trật tự cũng như thành viên, song điều này có thể gây ra sự thiếu thống nhất giữa các địa bàn và làm tăng ngân sách.
Đại biểu đoàn Quảng Bình đề nghị trong dự thảo luật cần quy định tiêu chí, số lượng tối đa của lực lượng an ninh trật tự để thống nhất trên toàn quốc, chú trọng các địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa, hải đảo.
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, dự án luật đã bám sát và cụ thể hoá các quan điểm chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý xây dựng củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Về chế độ chính sách đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và đánh giá tác động của nhóm chính sách này, theo ông, đây là nhóm chính sách lớn của dự án luật, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến...
"Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ báo cáo với Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổ chức, khảo sát, đánh giá thống kê toàn diện về thực trạng tổ chức hoạt động, chế độ chính sách bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này hiện nay và tác động của dự án luật, các quan hệ xã hội có liên quan làm cơ sở để đề xuất nội dung trong dự thảo luật đảm bảo tính khả thi”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.