WHO ra khuyến nghị mới đáng chú ý về muối ăn

Admin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban hành hướng dẫn mới khuyến nghị mọi người thay loại muối thường dùng ở nhà bằng loại muối có chứa ít natri hơn.

WHO khuyến nghị nên dùng muối chứa ít natri - Ảnh 1.

Nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống - Ảnh: New Food Magazine

Vậy chính xác thì những loại muối thay thế là loại nào? Và tại sao WHO lại đưa ra khuyến nghị như vậy?

Muối ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

Lời khuyên ăn ít muối (sodium clorua hay natri clorua) không mới. Nó đã là một phần trong hướng dẫn quốc tế trong nhiều thập kỷ do có bằng chứng cho thấy natri trong muối có thể gây hại cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều.

Lượng natri dư thừa làm tăng nguy cơ huyết áp cao, kéo theo việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận cùng nhiều bệnh khác. Theo trang ScienceAlert ngày 3-2, WHO ước tính khoảng 1,9 triệu ca tử vong trên toàn cầu có thể có liên quan đến việc ăn quá nhiều muối.

Ăn mặn gây hại sức khỏe thế nào?ĐỌC NGAY

WHO khuyến nghị không nên tiêu thụ hơn 2g natri/ngày. Tuy nhiên mọi người thường ăn bình quân gấp đôi lượng đã được khuyến nghị, tức là khoảng 4,3g/ngày.

Năm 2013, các nước thành viên WHO đã cam kết giảm lượng tiêu thụ natri của người dân xuống 30% vào năm 2025. Song việc cắt giảm tiêu thụ muối gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các nước không thể đạt được mục tiêu này trong năm nay. Điều này buộc WHO đặt mục tiêu tương tự cho năm 2030.

Cái khó của việc ăn ít muối hơn nằm ở việc chấp nhận ăn đồ ăn có vị nhạt hơn. Điều này cũng đòi hỏi phải thay đổi cách chế biến thực phẩm đã có trong ngành công nghiệp thực phẩm hay thói quen nêm nếm và khẩu vị của các hộ gia đình.

Thay thế bằng muối nào?

Loại muối thay thế muối chứa nhiều natri được gọi là muối giàu kali (potassium). Đây là loại muối trong đó một số natri clorua được thay thế bằng kali clorua.

Kali là một khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong mọi chức năng của cơ thể. Hàm lượng kali cao trong rau củ và trái cây tươi là một trong những lý do vì sao chúng tốt cho cơ thể chúng ta. WHO khuyến cáo lượng tiêu thụ kali hằng ngày là 3,5g, nhưng hầu hết người dân các nước đều tiêu thụ ít hơn lượng khuyến cáo này một chút.

Muối giàu kali có lợi cho sức khỏe nhờ giảm lượng natri và tăng lượng kali tiêu thụ hằng ngày trong chế độ ăn uống. Cả hai đều giúp huyết áp thấp hơn. Các thử nghiệm quy mô lớn trên toàn cầu đã chứng minh rằng thay thế muối thường dùng bằng muối giàu kali có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong sớm.

Nhìn chung nếu được thực hiện đầy đủ thì đây có thể là một trong những lời khuyên quan trọng nhất mà WHO từng đưa ra. Khi đó, hàng triệu cơn đột quỵ và đau tim có thể được ngăn ngừa trên toàn cầu mỗi năm chỉ bằng một thay đổi đơn giản trong cách chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên cần lưu ý không dùng muối giàu kali cho những người mắc bệnh thận tiến triển không xử lý tốt kali. Một thách thức cho việc dùng muối giàu kali là loại muối này có giá thành cao hơn muối natri.

Các loại muối thay thế này cũng có thể được gọi là muối có hàm lượng natri thấp, muối kali, muối tim, muối khoáng hoặc muối giảm hàm lượng natri.

WHO ra khuyến nghị mới đáng chú ý về muối ăn - Ảnh 3.Ăn quá nhiều muối có thể tăng nguy cơ ung thư dạ dày

Thực phẩm siêu chế biến ngày nay chủ yếu sử dụng muối như chất bảo quản, việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây hại cho sức khỏe.