Xem xét thông qua 17 Nghị quyết triển khai Luật Thủ đô 2024, quyết định cắt điện nước với công trình vi phạm

Admin

TPO - Kỳ họp thứ 19 HĐND TP. Hà Nội được tổ chức ngày 19/11 để xem xét, ban hành các Nghị quyết nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Đặc biệt, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về việc ngừng cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. 

Ngày 15/11, Thường trực HĐND TP.Hà Nội cho biết, Kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 19/11.

Kỳ họp này sẽ xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

Theo Thường trực HĐND TP. Hà Nội, tại kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 17 nghị quyết quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Ví như, Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các ban của HĐND quận, thị xã, thành phố trực thuộc thành phố; Nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính; Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Xem xét thông qua 17 Nghị quyết triển khai Luật Thủ đô 2024, quyết định cắt điện nước với công trình vi phạm ảnh 1

Lực lượng chức năng quận Cầu Giấy cắt điện đối với gần 30 trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại ô đất CC4, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Trong số 17 Nghị quyết được xem xét, thông qua tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét, ban hành 3 nghị quyết cá biệt. Trong đó, có Nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão...

Cũng tại kỳ họp này, HĐND thành phố dự kiến sẽ ban hành quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất 6 trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Bao gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch, sai phép, không đúng giấy phép, lấn chiếm; Công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế PCCC nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về PCCC của cơ quan có thẩm quyền mà đã đưa vào hoạt động, đã bị đình chỉ hoạt động nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành...