14 năm với 2 bản án có hiệu lực, vẫn chưa đòi được đất

Admin

Chủ đất bị chiếm vất vả 14 năm với hai lần khởi kiện và hai bản án có hiệu lực nhưng vẫn chưa lấy lại được đất khi người chiếm đất không tự nguyện thi hành án.

14 năm với 2 bản án có hiệu lực, vẫn chưa đòi được đất - Ảnh 1.

Nhà 104/118 đường số 18, khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa xây trên đất bị chiếm của ông Nghĩa - Ảnh: ÁI NHÂN

Đó là hoàn cảnh của ông Phương Hữu Nghĩa khi phải chịu bao nhiêu vất vả suốt 14 năm qua do bị người khác chiếm đất xây nhà. Đây là vụ việc mà Tuổi Trẻ từng phản ánh (ngày 15-1-2021).

Loay hoay lấy lại đất bị chiếm, 2 lần đi kiện

Tháng 3-2002, ông Nghĩa mua của ông Tư lô đất 54m2 thuộc phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM). Do nhà ở xa, ông Nghĩa có gửi đất cho người làm nghề thầu xây nhà trông coi.

Người này để cho ông Huỳnh Trí Tài (làm thợ sắt) dựng nhà tạm trên lô đất này để chứa vật liệu và ở tạm.

Người dân khởi kiện UBND tỉnh Quảng Nam 'đòi' lại nhà, đất ở Hội AnTrung tâm phát triển quỹ đất Đà Nẵng vất vả 'đi đòi' 18 tỉ đồng, đúng sai nhập nhằng

Dần dần ông Tài làm nhà ở kiên cố trên đó. Đáng nói là dù không có giấy tờ chủ quyền đất nhưng ông Tài vẫn làm được nhà kiên cố và được quận Bình Tân cấp số nhà (104/118 đường số 18, khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa).

Năm 2010, ông Tài làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Hồ sơ được niêm yết tại UBND phường Bình Hưng Hòa thì ông Nghĩa phát hiện, tố cáo và khởi kiện tại TAND quận Bình Tân.

Năm 2013, bản án (có hiệu lực) của TAND quận Bình Tân tuyên công nhận và tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên giữa ông Nghĩa và ông Tư. Ông Nghĩa được quyền liên hệ các cơ quan chức năng kê khai, đăng ký để được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên khi đi làm giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân không giải quyết vì theo giấy tờ thì lô đất của ông Nghĩa là đất trống nhưng hiện trạng lại có nhà.

Cơ quan này đề nghị ông Nghĩa liên hệ với UBND phường để được hướng dẫn, xử lý phần hiện trạng không đúng với bản vẽ.

Còn cán bộ địa chính phường Bình Hưng Hòa thì hướng dẫn phải xử lý nhà cho đúng nguyên trạng là đất trống thì mới xác nhận bản vẽ đất trống để cấp giấy chứng nhận.

Phía cơ quan thi hành án thì cho rằng ông Nghĩa chưa có giấy chứng nhận chủ quyền đất và bản án tòa cũng không tuyên cưỡng chế xử lý nhà để trả lại nguyên trạng nên thi hành án không có cơ sở để thực hiện.

Sau nhiều năm loay hoay, ông Nghĩa đành phải làm theo hướng dẫn là tiếp tục khởi kiện đòi quyền sử dụng đất mà ông Tài đang chiếm.

Vất vả thi hành án

Tháng 8-2024, bản án có hiệu lực của TAND quận Bình Tân tuyên buộc ông Tài phải tháo dỡ toàn bộ công trình trên đất để trả lại đất cho ông Nghĩa. Bản án ghi nhận vợ và hai con ông Tài cùng cư trú tại nhà với ông Tài là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Đầu tháng 10-2024, căn cứ bản án và yêu cầu thi hành án của ông Nghĩa, Chi cục trưởng Thi hành án dân sự quận Bình Tân Nguyễn Hồng Quang ra quyết định thi hành án.

Theo đó, cơ quan thi hành án yêu cầu ông Tài và những người đang cư trú phải tháo dỡ toàn bộ công trình trên đất để trả đất cho ông Nghĩa. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày.

"Tuy nhiên hết thời hạn trên phía ông Tài không tự nguyện thi hành án. 14 năm bị chiếm đất, tôi đã quá vất vả làm thủ tục đòi đất, khởi kiện... Tôi mong cơ quan thi hành án sớm thi hành bản án để khôi phục lại quyền lợi hợp pháp cho tôi...", ông Nghĩa nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân cho hay đang thực hiện thủ tục để ban hành quyết định cưỡng chế sau khi hết thời hạn thi hành án tự nguyện mà người phải thi hành án không thi hành.

"Để ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án. Chúng tôi đang nhờ cơ quan công an địa phương xác minh xem ai đang ở căn nhà, công trình trên đất phải tháo dỡ...", chấp hành viên nói.

Ông Nguyễn Phước Bình, chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho hay trước đây phường đã kiến nghị quận thu hồi số nhà đã cấp. "Phường cũng sẽ phối hợp để xác minh về điều kiện cư trú của những người ở trong căn nhà trên để thực thi bản án...", ông Bình nói.

Không chấp hành bản án có thể bị xử lý hình sự

Bình luận về vụ việc, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo quy định Bộ luật Hình sự thì người phải thi hành án dân sự mà không chấp hành có thể bị xử lý về tội danh không chấp hành án.

Cụ thể, người đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành bản án, nay dù đã có quyết định cưỡng chế thi hành án mà không chấp hành thì sẽ bị xử lý hình sự.

Hoặc người phải thi hành án dù đã có quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng vẫn cố tình tẩu tán tài sản, có hành vi ngăn cản, chống đối... có thể bị xử lý hình sự.

14 năm với 2 bản án có hiệu lực, vẫn chưa đòi được đất - Ảnh 2.Mua đất qua vi bằng, nay chủ đất đòi lại, tôi phải làm sao?

Tôi mua đất qua vi bằng từ một phụ nữ khi người này chưa ly hôn (mới ly thân).