Thật nghịch ngợm đúng kiểu học trò, lại thật rung động khi nhìn, khi đọc và ta chợt nhận ra: phải rồi, cha - mẹ, ông - bà mình khi xưa cũng có một thời hoa mộng...
Tường vàng - ngói đỏ - cây xanh kể chuyện
Ngày đại lễ 150 năm, sân khấu, màn hình được dựng trong sân, ba "nhân vật" Ngói Đỏ - Tường Vàng - Cây Xanh được nhân cách hóa để kể câu chuyện ngôi trường 150 năm mà mình đã chứng kiến. Những lứa học sinh vào trường, ra trường, và ngói đỏ, tường vàng, cây xanh vẫn ở đó, tiếp tục đón đưa...
Đến dự lễ cùng đại gia đình, TS Hồ Thiệu Hùng - nguyên giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM - xúc động: "Ngôi trường này, cách nay 70 năm tôi là một trò nhỏ lui tới hằng ngày, đi từ bỡ ngỡ vì chưa rành tiếng Tây tới "tự ái dân tộc" mà quyết tâm học để được xếp hạng trên các "bạn Tây". Chương trình đào tạo rất bài bản. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc ngọn lửa trắng sáng rực của magne bùng lên trong phòng thí nghiệm hóa học đã cho tôi cảm nhận được sức mạnh của khoa học, say mê khoa học.
Đó là sự thành công trong giáo dục của người Pháp, nhưng trong mục đích đào tạo ra những người phục vụ cho Pháp thì họ thất bại. Đa số những học sinh Việt đều chỉ mong muốn được làm việc cho một nước Việt Nam độc lập, làm việc gì có ích cho chính Việt Nam...".
Tiêu biểu cho điều ông nói chính là cha của ông, bác sĩ Hồ Thiệu Ngạn (hay Hồ Công Nghĩa). Là người học giỏi nhất nhà, gia đình gom góp tiền để ông được vào học ở Chasseloup - Laubat rồi tiếp tục ra Hà Nội học Đại học Y khoa.
Thành bác sĩ, ông đã tham gia cách mạng để góp sức vào công cuộc giành độc lập, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, phó giám đốc Sở Y tế Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Rồi đến các con ông: Hồ Thiệu Tuấn, Hồ Thiệu Hùng cũng vậy...
TS Hồ Thiệu Hùng bấm ngón tay: "Cả gia đình: cha - anh trai - tôi - con trai và hai cháu nội, sáu người - bốn đời cùng theo học trường này. Niềm tự hào biến thành trách nhiệm phải học giỏi, làm tốt việc của mình. Đời người đi qua, thơ ấu - trưởng thành rồi già, nhưng ngôi trường vẫn đó, vẫn trẻ mãi. Cây cổ thụ nghiêng góc mà khi xưa tôi với bạn bè thường thi nhau chạy lên trên thân xem ai lên được cao hơn nay vẫn đứng đó"...
Lịch sử trường còn in dấu nhiều đại gia đình. Trong sách Cuộc hành trình xuyên thế kỷ XX của một gia đình Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Châu ghi lại câu chuyện gia đình nổi danh của mình. Ông nội - Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương của Hội thánh Cao Đài ban chỉnh đạo.
Theo học và đậu tú tài tại trường Chasseloup - Laubat năm 1902, sau một thời gian làm công chức, ông từ quan chuyên lo việc đạo ở Tòa thánh Tây Ninh và tổ chức những việc ích dân lợi nước như khai khẩn đất hoang, lập nhà dưỡng nhi, y viện, dưỡng đường và cả giúp đỡ những người kháng chiến.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định: "Nguyễn Ngọc Tương là một quan lại có cỡ của chính quyền Pháp, một lãnh tụ tôn giáo lớn ở Nam Bộ, với tâm hồn trong sáng không suy tính được mất, ông sẵn sàng tham gia cách mạng, vứt bỏ mọi giàu sang, danh vọng".
Hai người con trai của ông, Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Nhựt, cùng nối nhau theo học Chasseloup - Laubat, nối nhau lấy bằng kỹ sư tại Pháp, nối nhau về Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp, nối nhau bị bắt rồi hy sinh. Ngày nay ở TP.HCM, Bến Tre có đường mang tên Nguyễn Ngọc Nhựt, Cần Thơ có đường Nguyễn Ngọc Bích.
Và tới lượt ông Nguyễn Ngọc Châu, cũng nối gót ông nội - cha - chú theo học Chasseloup - Laubat suốt 12 năm, tiếp tục học và lập nghiệp ở Pháp, trở thành phó trưởng vùng châu Á về tài trợ và xuất khẩu thương mại cho Ngân hàng Indosuez.
Ông thường xuyên về Việt Nam, liên kết và xúc tiến hợp tác, tài trợ cho những dự án quan trọng tại quê hương. Dự án cuối cùng mà ông thực hiện trước khi nghỉ hưu là hợp đồng tín dụng cho việc xây dựng cầu Phú Mỹ tại TP.HCM.
Chiếc ghế lõm và ngọn gió thơm
Những ngày học dưới mái trường này, tôi được nghe mấy người bạn tự hào kể chuyện "ba mình ngày trước cũng học ở đây". Tuổi trẻ nghe rồi quên. Phải đến hôm nay - sau bao năm - chúng tôi được trở lại trong sân, ngồi dưới gốc cây, quan sát chính con mình, cháu mình tất bật tập chương trình lễ, dựng trại truyền thống - cũng hào hứng, tận tâm, say mê như mình khi xưa thì mới hiểu được cảm giác ngọt ngào, thắm thiết khi được chia sẻ cùng một kỷ niệm, cùng một khung cảnh qua nhiều thế hệ.
Khi đến lượt mình được đứng dưới dòng chữ "Nhà tôi bao đời học