
Cô Tạ Thị Mai và mẹ năm 1975 - Ảnh: TGCC
Những ngày tháng đầu năm 1954 ấy, thật nhiều biến cố đã đến với đất nước và gia đình tôi. Sau Hiệp định Geneva, miền Bắc và miền Nam bị chia cắt thành hai bờ Bến Hải. Điều đó thì tận mãi sau này tôi mới biết. Bởi vì năm 1954, tôi mới lên 3.
Đầu năm 1954, giận chồng là một nhân viên Nhà đèn Chợ Quán, bà nội đưa 3 anh em chúng tôi ra Bắc. Ông nội đã có tình cảm với một cô gái Hoa kiều trẻ, và bà đã cay đắng trả thù bằng cách đưa cả 3 đứa cháu nội về quê hương Ninh Bình.
Bà không thể ngờ rằng chuyến đi đó đã chia cắt bà với miền Nam, nơi có chồng, con trai, con dâu, đến tận hơn 20 năm sau.
"Bố mẹ của cháu ở đâu?", "Bao giờ chúng cháu mới được gặp bố mẹ?"... Đó là những câu tôi thường hỏi bà khi còn nhỏ. Tôi, đứa con gái duy nhất trong 3 anh em. Anh trai tôi năm ấy 6 tuổi, tôi lên 3 và em trai tôi mới tròn 1 tuổi.
Bà nội sẽ thường lảng tránh câu hỏi thứ hai, bởi vì bà không biết, và gần như không ai biết, rằng bao giờ tôi mới được gặp lại mẹ cha. Có lẽ nỗi buồn giận vì sự phản bội của ông đã giữ bà lại quê hương, và ông bà tôi đã lìa xa nhau, mãi mãi.
Rồi tôi lớn lên trong lòng miền Bắc. Sau bao lần dời đổi vì sinh kế, bà cháu tôi trôi dạt lên tận dốc Kun, Hòa Bình.
Năm 1965, khi chưa đầy 15 tuổi, tôi đã khai rằng mình sinh năm 1947, tên là Tạ Thị Mai, để được nhận vào làm nhân viên trong Ty lương thực tỉnh Hòa Bình. Đó là công việc trong mơ đối với nhiều cô gái trẻ lúc ấy. Thực ra tôi sinh năm 1951, tên khai sinh là Tạ Hoàng Ngọc Mai.
Tôi lập gia đình và sinh con đầu lòng, vẫn không nguôi nghĩ đến ngày đoàn tụ. Bà nội và các anh em tôi cũng thế. Bởi vậy, ngày hòa bình, ngày thống nhất đối với chúng tôi là một khát khao cháy bỏng, lúc nào cũng đau đáu trong tim.
Với một phụ nữ như tôi, sự thiếu vắng tình mẹ càng cần được bù đắp hơn ai hết. Và bà nội tôi cũng xiết bao mong mỏi được gặp lại đứa con trai duy nhất của mình.
Tận chiều 30-4-1975, tôi mới nghe được bản tin chiến thắng trên