Báo động học sinh hút thuốc lá điện tử - Kỳ cuối: Cấm thế nào cho hiệu quả?

Admin

TP - Mới đây Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025. Phóng viên báo Tiền Phong có cuộc trao đổi với bác sĩ, TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

TS Hà Anh Đức cho biết: Việc

Bệnh nhân trẻ bị ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại BV Bạch Mai

Theo Tổ chức Y tế thế giới, những sản phẩm thuốc lá truyền thống hay thuốc lá mới đều độc hại đối với sức khỏe. Trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm, Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về thuốc lá mới nên việc xử lí còn gặp nhiều khó khăn, trong khi các sản phẩm thuốc lá mới nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn bán trên thị trường dưới nhiều hình thức và ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá mới hằng năm tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, Bộ Y tế đã nỗ lực trong nhiều năm qua để ngăn chặn tác hại của thuốc lá mới đến người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Nghị quyết vừa nêu của Quốc hội đã thể hiện sự ủng hộ, quan tâm đặc biệt của Quốc hội đến lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá mới lên sức khỏe người dân và sự tin tưởng của Quốc hội đối với các nỗ lực của Bộ Y tế. Đồng thời, nhờ có sự ủng hộ, đồng thuận từ các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo người dân nên đề xuất cấm của Bộ Y tế đã được Quốc hội chấp thuận.

Ông đánh giá thế nào về kết quả phòng, chống tác hại thuốc lá trong giới trẻ mà Việt Nam đã đạt được?

Bảo vệ giới trẻ khỏi các tác hại của việc sử dụng thuốc lá là một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Y tế thông qua các hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá đã phối hợp các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm bảo vệ thanh thiếu niên. Rất nhiều hoạt động đã được triển khai thông qua sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu tại Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy: tỉ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% (năm 2013) xuống còn 2,78% (năm 2019), ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống còn 1,9% (năm 2022). Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá.

Tuy nhiên, theo thống kê tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ đang tăng, nguy cơ xuất nghiện nicotine vì thế tăng theo. Chiến dịch phòng, chống tác hại của thuốc lá trong giới trẻ có ý nghĩa như thế nào đối với việc ngăn ngừa “thế hệ nicotine mới”, thưa ông?

Nicotine là một chất gây nghiện mạnh có trong TLĐT, TLNN. Mặc dù các nhà sản xuất TLĐT, TLNN vẫn tuyên bố các sản phẩm này là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào giới trẻ, nhưng bằng chứng thực tiễn cho thấy các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc) bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Các nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng TLĐT, TLNN thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ. Đặc biệt, các nhà sản xuất TLĐT, TLNN đã tận dụng việc bán hàng qua mạng là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm, tạo cơ hội tiếp cận với giới trẻ.

Tại Việt Nam, TLĐT, TLNN chưa được phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành, tuy nhiên tỉ lệ sử dụng TLĐT gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Các số liệu này cho thấy TLĐT đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong học sinh, gia tăng ở mức rất đáng quan ngại. Bằng chứng từ các nước cũng cho thấy sử dụng TLĐT cũng là nguyên nhân dẫn đến sử dụng thuốc lá điếu thông thường. Nếu chúng ta có các giải pháp ngăn chặn kịp thời giới trẻ sử dụng thuốc lá mới sẽ giúp bảo vệ giới trẻ khỏi nghiện chất nicotine, bảo vệ được các kết quả phòng, chống tác hại của thuốc lá mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua, góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Nhiều chuyên gia y tế nhận định các loại thuốc lá mới là một sản phẩm nguy hại, rất gần với ma túy nên cần có những giải pháp kịp thời. Theo ông, những giải pháp đó là gì trong bối cảnh thuốc lá nhập lậu bán tràn lan trên thị trường?

Việc Quốc hội ra nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLĐT, TLNN, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025 là cơ sở pháp lí quan trọng để ngăn chặn sự lan tràn của thuốc lá mới trên thị trường Việt Nam. Đây còn là thông điệp cảnh báo chính thức của Nhà nước về sự nguy hại của thuốc lá mới lên sức khỏe người dân.

Tiếp sau Nghị quyết cấm của Quốc hội, rất cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chính sách này. Trong lúc chờ đợi hoàn thiện thể chế, để ngăn ngừa các sản phẩm này cần có các giải pháp với sự phối hợp liên ngành. Cụ thể là: Bộ Y tế tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ để hoàn thiện hành lang pháp lí về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLĐT, TLNN, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Báo động học sinh hút thuốc lá điện tử - Kỳ cuối: Cấm thế nào cho hiệu quả? ảnh 2

TS. Hà Anh Đức

Tiếp sau Nghị quyết cấm của Quốc hội, rất cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chính sách này.TS Hà Anh Đức

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm các trường hợp quảng cáo các sản phẩm thuốc lá, trong đó có quảng cáo thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới trên mạng internet. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về môi trường không khói thuốc lá tại khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; nhân rộng các địa điểm du lịch không khói thuốc lá. Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ sở giáo dục.

Bộ Công Thương quản lí chặt chẽ việc nhập khẩu và kinh doanh thuốc lá; xử lí nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá. Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển TLĐT, TLNN.

Sau khi Quốc hội thống nhất cấm như trên, Bộ Y tế sẽ có những hành động gì để giảm đến mức thấp nhất tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng?

Chúng tôi tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng. Phát triển dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá. Đề xuất, ban hành các quy định mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn; tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá. Hoàn thành điều chỉnh quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về thuốc lá điếu theo hướng giảm hàm lượng tối đa nhựa thuốc lá và nicotine trong khói một thuốc lá điếu.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của thuốc lá và thuốc lá mới. Đề xuất sửa đổi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó dự kiến quy định rõ về thuốc lá mới, bổ sung chế tài xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng và thẩm quyền xử phạt các hành vi đó.

Cảm ơn ông!

Thuốc lá điện tử bị đưa vào nhóm mặt hàng trọng điểm phải xử lý
Thuốc lá điện tử 'sát thủ' tàn phá sức khoẻ giới trẻ
Báo động học sinh hút thuốc lá điện tử: Cách nào ngăn chặn?
Báo động học sinh hút thuốc lá điện tử: Cách nào ngăn chặn?