Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận trên 200.000 ca đột quỵ mới, trong đó 80% đến viện trễ “giờ vàng” - 4,5 giờ đầu sau khởi phát triệu chứng. Tại Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” ngày 20/4 tại TP. HCM, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhân rộng mô hình cấp cứu đột quỵ chuẩn quốc tế, kết hợp hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại để giảm thiểu di chứng và tỷ lệ tử vong.
80% trường hợp bỏ lỡ “giờ vàng” trong can thiệp đột quỵ
Năm 2025, đột quỵ tiếp tục là gánh nặng y tế lớn do số ca mới mỗi năm tại Việt Nam vượt ngưỡng 200.000 và tỷ lệ tàn phế, tử vong cao. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cảnh báo đến 80% bệnh nhân khi vào viện đã bỏ lỡ thời gian quý giá để can thiệp, khiến khả năng phục hồi khó khăn hơn. Trên toàn cầu, trung bình cứ 3 giây có một ca đột quỵ mới, với 12,2 triệu ca bệnh trong năm 2021.
![]() |
Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” quy tụ nhiều chuyên gia đột quỵ hàng đầu ở khu vực phía Nam. |
Cấp cứu kịp thời giúp hồi phục hoàn toàn chức năng cho người bệnh đột quỵ tại Hoàn Mỹ
Các chuyên gia nhấn mạnh: “Thời gian là tế bào não”, mỗi phút trôi qua khi mạch máu não bị tắc sẽ có gần 1,9 triệu tế bào thần kinh tổn thương vĩnh viễn. Do vậy, can thiệp trong “giờ vàng” - 4,5 giờ đầu có thể giúp người bệnh giảm thiểu di chứng và tăng cơ hội phục hồi.
Tại hội thảo ngày 20/4, các báo cáo tham luận từ đại diện các bệnh viện và chuyên gia hàng đầu đều khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và nhân rộng mạng lưới cấp cứu đột quỵ phản ứng nhanh, chuẩn hóa theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Thế giới (WSO).
Ứng dụng công nghệ “chuẩn hóa” quy trình Code Stroke
Trước thách thức đó, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã xây dựng quy trình Code Stroke theo tiêu chuẩn của Hiệp hội đột quỵ châu Âu - chuỗi phản ứng nhanh liên chuyên khoa, vận hành 24/7 từ khi người bệnh nhập viện đến khi điều trị. TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu tiếp cận bệnh nhân trong 3 phút kể từ khi nhập viện, chụp CT/MRI não trong 10 phút, tiêm thuốc tiêu sợi huyết trong 60 phút và đảm bảo người bệnh được can thiệp tái thông mạch trong vòng 120 phút.”
![]() |
Các bác sĩ Hoàn Mỹ trao đổi tại hội thảo ngày 20/04. Ảnh: HM |
Song song đó, Hoàn Mỹ còn đầu tư vào công nghệ hiện đại để tranh thủ thời gian “cứu não”. Tại hai Đơn vị Đột quỵ thuộc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hoàn Mỹ Cửu Long luôn có máy CT/MRI được ưu tiên để cấp cứu đột quỵ. Trong đó, máy CT đa lát cắt cho phép phân biệt ngay xuất huyết và nhồi máu, còn hệ thống MRI 3.0 Tesla giúp đánh giá chi tiết vùng tổn thương, đặc biệt với bệnh nhân nhập viện muộn. Hệ thống chụp mạch DSA hai bình diện 3D hỗ trợ can thiệp nội mạch chính xác, rút ngắn thủ thuật xuống chỉ 30-45 phút.
Không chỉ đầu tư thiết bị, Hoàn Mỹ còn hướng đến xây dựng mô hình điều trị đột quỵ toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo TS.BS Nguyễn Tuấn, tập đoàn đang thực hiện bốn định hướng chiến lược gồm đầu tư trang thiết bị chuyên sâu (DSA, MRI, PACS); xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tích hợp phần mềm cảnh báo Code Stroke; mở rộng hợp tác nghiên cứu đa trung tâm để chuẩn hóa quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chuẩn hóa lộ trình đào tạo chuyên sâu.
![]() |
Hệ thống DSA (Digital Subtraction Angiography Biplanes) tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Ảnh: HM |
Minh chứng thực tiễn là trường hợp bà N.T.K 95 tuổi vừa được cấp cứu thành công tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. BS.CKI Mai Thị Hương Lan, Trưởng khoa Nội Thần kinh, chia sẻ: “Bệnh nhân nhập viện sau gần 4 giờ, điểm NIHSS lên tới 24, được kích hoạt Code Stroke ngay, chụp MRI xác định tắc mạch lớn, sau đó tiến hành hút huyết khối. Sau 7 ngày điều trị, bà K. hồi phục gần như hoàn toàn. Trường hợp này cho thấy, người cao tuổi vẫn có thể hưởng lợi từ các kỹ thuật điều trị đột quỵ hiện đại, nếu được can thiệp kịp thời và đúng cách”.
Số liệu từ hơn 2.000 ca cấp cứu đột quỵ tại Hoàn Mỹ năm 2024 cho thấy, các ca bệnh được xử trí bằng quy trình Code Stroke đã rút ngắn thời gian từ nhận diện triệu chứng đến điều trị chỉ còn 30-45 phút, so với 60-90 phút trước đây. Các thiết bị y tế và quy trình phối hợp nhịp nhàng là lý do chính giúp rút ngắn khoảng cách sinh tử và di chứng nặng nề cho người bệnh đột quỵ.
Cập nhật kiến thức mới về đột quỵ để hiểu biết và hành động đúng
Diễn ra sáng 20/4/2025, Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do Báo Tiền Phong phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn đầu ngành tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cùng các chuyên gia đầu ngành và đại diện các bệnh viện tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo là diễn đàn y khoa uy tín nhằm thúc đẩy hợp tác chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm điều trị và cảnh báo cộng đồng về mức độ nguy hiểm của đột quỵ.