'Cột mốc mới' cho dự án Digital Hub và Dự án Cáp quang biển cập bờ của DCH

Admin

Ngày 11/12/2024, tại trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi nghe Công ty C P Đầu tư Xây dựng DCH (DCH) trình bày phương án, kế hoạch triển khai Dự án Siêu Trung tâm Dữ Liệu - Digital Hub và Dự án Cáp quang biển cập bờ của DCH; vừa được chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương khảo sát vị trí tại huyện Châu Đức để lập phương án đầu tư hai dự án. Đây được xem là bước đi quan trọng để xác định các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng, phát triển dự án.

Động lực thúc đẩy chuyển đổi số

Cả 2 dự án, đặc biệt là Dự án Trung tâm Dữ liệu Digital Hub được xem là dự án trọng điểm của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng DCH (DCH) và là bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ thông tin tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự án còn là động lực để thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ và truyền dữ liệu quốc tế; thông qua việc phát triển hệ thống cáp quang biển quốc tế, hướng tới hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, thu hút đầu tư các sản phẩm điện tử, internet vạn vật hay trí tuệ nhân tạo.

Với tổng vốn đầu tư lên tới 35 nghìn tỷ đồng, việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu Xếp hạng 4, theo tiêu chuẩn TIA-942, biểu thị sự phù hợp của nó với các tiêu chuẩn toàn cầu khắt khe nhất về thiết kế trung tâm dữ liệu. Điều này còn được tăng cường hơn nữa nhờ việc tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là TCVN 9250 - 2021, đảm bảo Trung tâm dữ liệu là minh chứng cho cả sự hội nhập toàn cầu.

'Cột mốc mới' cho dự án Digital Hub và Dự án Cáp quang biển cập bờ của DCH ảnh 1

Được xây dựng trên diện tích 100ha, Trung tâm Dữ liệu dự kiến sẽ bao gồm 5 tòa nhà trung tâm dữ liệu (Data Center Hall), tổng công suất mỗi Data Center Hall là 20MW, tổng công suất toàn bộ 5 DC Hall lên đến 6.000 tủ chứa thiết bị (racks) với công suất bình quân 15kW/rack.

Một điểm nhấn quan trọng nữa của dự án này là việc đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn và bảo mật. Trung tâm dữ liệu sẽ được xây dựng với hệ thống phòng, chống và phục hồi sau thảm họa nhằm bảo vệ và khôi phục hoạt động dữ liệu trong các tình huống khẩn cấp, đảm bảo sự liên tục và ổn định trong mọi điều kiện.

Song song với việc triển khai dự án Digital Hub, Dự án Cáp quang biển cập bờ của DCH cũng có ý nghĩa quan trọng: ngoài việc sử dụng để cung cấp các dịch vụ liên quan đến hạ tầng viễn thông, thì nhiệm vụ chính của các tuyến cáp này sẽ phục vụ cho việc truyền tải - lưu trữ dữ liệu của Trung tâm Digital Hub. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là một mắt xích quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng truyền dẫn dữ liệu của khu vực và quốc tế, đảm bảo an toàn, dự phòng mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet và các dịch vụ kết nối quốc tế khác cũng như an toàn an ninh thông tin quốc gia.

“Cú hích” cho nền kinh tế địa phương

Dự kiến, khi được đưa vào hoạt động, các dự án này sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu riêng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn trở thành một trong những trung tâm dữ liệu hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Những dự án này sẽ thực sự trở thành "cú hích" cho nền kinh tế địa phương, giúp Việt Nam vươn lên vị trí mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Khi đi vào hoạt động, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ lưu trữ dữ liệu lớn và an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, dự án còn mang lại nhựng lợi ích thiết thực về kinh tế cho tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo đó, dự án góp phần thu hút khách hàng và nhà đầu tư quốc tế: Dự án sẽ là một trung tâm công nghệ hiện đại, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là những công ty có nhu cầu về lưu trữ và xử lý, luân chuyển dữ liệu, nghiên cứu phát triển AI. Sự hiện diện của các tập đoàn lớn sẽ góp phần gia tăng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế địa phương.

'Cột mốc mới' cho dự án Digital Hub và Dự án Cáp quang biển cập bờ của DCH ảnh 2

Bên cạnh đó, Dự án đáp ứng nhu cầu lưu trữ và truyền tải dữ liệu cho các tập đoàn đa quốc gia và các định chế tài chính: Với khả năng cung cấp các dịch vụ lưu trữ và luân chuyển dữ liệu hiệu quả, dự án sẽ phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo mật, quản lý và chia sẻ thông tin của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Đây là một yếu tố quan trọng để Bà Rịa Vũng Tàu trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin.

Mặt khác, Bà Rịa Vũng Tàu, với vị trí chiến lược gần các cảng biển lớn, sẽ tận dụng được sự phát triển của dự án Digital Hub để kết nối các dịch vụ logistics và vận chuyển hàng hóa quốc tế. Sự kết hợp này sẽ không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp công nghệ, mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng giao thông và logistics, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tổng thể của tỉnh.

'Cột mốc mới' cho dự án Digital Hub và Dự án Cáp quang biển cập bờ của DCH ảnh 3

Đặc biệt, với quy mô đầu tư dự án dự kiến lên đến hơn 35 nghìn tỷ đồng, dự án sẽ đóng góp ngân sách 70 - 100 triệu USD mỗi năm, đào tạo và sử dụng hàng ngàn lao động chất lương cao trong suốt quá trình hoạt động 50 năm của dự án. Dự án Digital Hub sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực công nghệ, quản trị dữ liệu, và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy việc phát triển các ngành nghề mới trong cộng đồng địa phương.

Trung tâm Dữ liệu Digital Hub Bà Rịa - Vũng Tàu được nhìn nhận như một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam. Với sự đầu tư đồng bộ và sự cam kết từ DCH, Trung tâm Dữ liệu Digital Hub sẽ trở thành cột mốc mới, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.