Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 44 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty đầu tư Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.
Cựu lãnh đạo tỉnh An Giang "nâng đỡ" cát tặc ra sao?
Kết luận điều tra thể hiện Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 do ông Lê Quang Bình làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Công ty này có 11 chi nhánh và văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố.
Ngày 21-4-2020, Công ty Trung Hậu 68 có văn bản xin chấp thuận và nộp hồ sơ đề nghị UBND tỉnh An Giang khảo sát, cấp phép cho khai thác cát tại mỏ Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân theo hình thức chỉ định không qua đấu giá.
Việc này nhằm để cho Công ty Trung Hậu 68 có nguồn cát cung cấp cho các công trình tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.
Trong quá trình phê duyệt, cấp phép, ông Nguyễn Thanh Bình khi đó là chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường... biết Công ty Trung Hậu 68 không đủ điều kiện để được cấp phép thăm dò, khai thác, hồ sơ cấp phép không đầy đủ thủ tục phê duyệt dự án.
Song, nhóm lãnh đạo trên đã thông đồng với Lê Quang Bình để chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái công vụ, tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68, qua đó nhận lợi ích vật chất.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo ông Trần Anh Thư, Nguyễn Việt Trí tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được khảo sát, thăm dò và cấp phép khai thác cát tại xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân.
Trước chỉ đạo này, ngày 22-6-2020, ông Trần Anh Thư đã ký quyết định bổ sung khu vực có diện tích 99ha tại xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm giao cho Công ty Trung Hậu 68. Mặc dù trước đó ông Thư đã ký quyết định đưa mỏ cát 99ha này vào đấu giá quyền khai thác.
Tiếp đó, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Việt Trí chỉ đạo Huỳnh Văn Thái, trưởng phòng khoáng sản, nước và biến đổi khí hậu, cùng nhân viên cung cấp trước thông tin, chủ trương của UBND tỉnh cho Công ty Trung Hậu 68.
Nhóm cán bộ sở này hướng dẫn trước các tiêu chí lựa chọn đơn vị cấp quyền thăm dò mỏ cát để tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 trúng quyền thăm dò cát.
Ông Trần Anh Thư đã ký giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phép lần đầu cho Công ty Trung Hậu 68 với khối lượng 300.000m3, cung cấp cát cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, không đúng với chủ trương.
Kết luận điều tra thể hiện, tại cuộc họp với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Nguyễn Thanh Bình đã kết luận đồng ý cấp phép khai thác cho Công ty Trung Hậu 68 là không đúng thẩm quyền...
"Tạo mọi điều kiện" cho Công ty Trung Hậu 68
Mặc dù biết rõ Công ty Trung Hậu 68 không thuộc đối tượng áp dụng cơ chế theo nghị quyết 18 của Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Bình vẫn chỉ đạo cấp dưới dự thảo tờ trình của UBND tỉnh để ký báo cáo Thủ tướng xin áp dụng cơ chế.
Việc này nhằm tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với lần nâng công suất mỏ cát từ 7.400m3 lên 1.110.000m3/năm.
Mặt khác, khi biết độ sâu đáy sông khu vực mỏ cát đã vượt mức cho phép, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tăng công suất khai thác, ông Lê Quang Bình đã chủ động gặp nhóm lãnh đạo tỉnh báo cáo cho họ biết.
Đồng thời, ông Bình giải trình nguyên nhân làm vượt độ sâu do Công ty Văn Anh khai thác trái phép trong khu vực mỏ của Trung Hậu 68.
"Khi độ sâu đáy sông vượt mức cho phép, Nguyễn Thanh Bình biết việc Công ty Trung Hậu 68 không đủ điều kiện để tiếp tục khai thác nhưng vẫn chỉ đạo ông Thư, Trí... tạo mọi điều kiện, sớm thông qua ĐTM (đánh giá tác động môi trường) để công ty này tiếp tục khai thác", kết luận điều tra nêu.
Từ đây, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh sửa tiêu chuẩn độ sâu đáy sông (từ âm 26 - 27m thành âm 15 - 16m) để dựng hồ sơ, giúp Công ty Trung Hậu 68 được điều chỉnh công suất khai thác.
Việc ông Bình chỉ đạo cấp dưới giúp đỡ đã tạo điều kiện cho Trung Hậu 68 khai thác trái phép 3,7 triệu m3 cát, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 294 tỉ đồng.
Xuyên suốt quá trình Công ty Trung Hậu 68 được các cá nhân liên quan thuộc UBND tỉnh An Giang tạo điều kiện cấp phép, nâng công suất khai thác, Lê Quang Bình đã chi cho bị can Nguyễn Viết Trí 3,1 tỉ đồng, Nguyễn Thanh Bình 300.000 USD, Trần Anh Thư 961 triệu đồng.
Kiến nghị tăng cường quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra nhận định thời gian qua công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn có tình trạng buông lỏng, xuất hiện tình trạng móc nối giữa doanh nghiệp với các cá nhân được giao làm công tác quản lý.
Cơ quan điều tra kiến nghị tăng cường quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng, chú ý tới tác động xấu về môi trường gây sạt lở, sụt lún bờ sông.
Cần khuyến khích dùng các vật liệu khác như tro, xỉ thay thế cát tự nhiên, khắc phục tình trạng khan hiếm cát, san lấp xây dựng ở một số địa phương.
Ngoài ra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khoáng sản, có giải pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác...