Đại gia Nguyễn Cao Trí đã hối lộ các cựu quan chức để 'đảo ngược tình thế' như thế nào?

Admin

TPO - Để 'bẻ lái' kiến nghị thu hồi dự án Đại Ninh, đại gia Nguyễn Cao Trí đã tìm gặp cố Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh và được ông này "chỉ điểm". Sau đó, ông Trí tiếp cận, hối lộ các lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng, thành viên Tổ công tác Thanh tra Chính phủ...

Đại gia được "chỉ điểm" đưa hối lộ

Ban hành cáo trạng vụ án Sài Gòn Đại Ninh, Viện KSND Tối cao

Bị can Nguyễn Cao Trí.

Viện kiểm sát xác định, Nguyễn Cao Trí “nhúng” tay vào Dự án Đại Ninh từ tháng 11/2019. Thời điểm này, ông ta liên hệ với bà Phan Thị Hoa (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh - là chủ đầu tư Dự án) đặt vấn đề mua một số căn biệt thự nhưng không có kết quả.

Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận 929, khoảng tháng 8/2020, một mặt Trí liên hệ, gặp bà Hoa trao đổi về việc chuyển nhượng dự án; mặt khác ông ta liên hệ và được ông Trần Văn Minh (thời điểm đó là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nay đã chết) đồng ý giúp thay đổi kiến nghị của kết luận 929, cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được tiếp tục thực hiện dự án.

Ngày 2/10/2020, Nguyễn Cao Trí và bà Phan Thị Hoa ký thỏa thuận đặt cọc. Tròn hai tháng sau thì ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh (thực chất là mua Dự án Đại Ninh) với giá 5.000 tỷ đồng. Giữa hai bên xác nhận: “Trí đã thanh toán cho Hoa 1.700 tỷ để được sở hữu 58% cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh”.

Về phần Nguyễn Cao Trí, Viện kiểm sát cho rằng, để được xin gia hạn giãn tiến độ dự án, theo hướng dẫn của ông Trần Văn Minh, ông Trí đã liên hệ gặp, hối lộ cho hai lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng bấy giờ là Trần Đức Quận và Trần Văn Hiệp, cùng các thành viên Tổ công tác Thanh tra Chính phủ, để được hướng dẫn thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh…Cụ thể, Nguyễn Cao Trí hối lộ cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận 2,1 tỷ và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp 4,2 tỷ đồng.

Hối lộ ông Lê Quốc Khanh (cựu Phó Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác) 3 lần, tổng số tiền 900 triệu đồng.

Thông qua Lê Quốc Khanh và bà Trần Thị Thanh Thủy (Phó Tổng Giám đốc Công ty Capella), Trí đưa tiền cho thành viên Tổ công tác, gồm: Hoàng Văn Xuân 150 triệu đồng; đưa 100 triệu đồng cho Nguyễn Ngọc Ánh (cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng).

Sau khi đưa tiền, Trí được nhóm này hướng dẫn thêm thủ tục liên quan xác minh tình hình tài chính của Công ty Sài Gòn Đại Ninh; chuyển tên chủ doanh nghiệp đứng tên là Trí thay cho bà Hoa; lập biên bản làm việc, báo cáo xác minh đơn và kết luận theo hướng kiến nghị cho giãn tiến độ, gia hạn sử dụng đất Dự án.

Đại gia Nguyễn Cao Trí đã hối lộ các cựu quan chức để 'đảo ngược tình thế' như thế nào? ảnh 2

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Hiệp và cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận.

Dự án tiếp tục vi phạm sau khi giãn tiến độ

Đối với ông Trần Văn Minh, Viện kiểm sát cáo buộc người này hướng dẫn Nguyễn Cao Trí làm các thủ tục gửi đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh; cho thành lập Tổ công tác và Thanh tra Chính phủ có báo cáo 715 và kết luận số 1033.

Theo đó, ngày 10/5/2021, ông Minh ký báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị điều chỉnh kết luận thanh tra theo hướng cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án. Khi đã có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao thực hiện, ngày 30/6/2021, ông Minh tiếp tục ký kết luận sửa đổi kết luận thanh tra.

Việc sửa kết luận này đã giúp Nguyễn Cao Trí đảo ngược tình thế cho dự án từ bị kiến nghị thu hồi thành không thu hồi, tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ thực hiện.

Viện kiểm sát xác định, dù không có quy định thanh tra lại nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn ban hành kết luận thanh tra sửa đổi, việc này là trái pháp luật. Các bị can từng làm cán bộ Thanh tra Chính phủ nhận thức được kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất là đúng, nhưng quá trình làm việc đều "nhận tiền" của Trí để hợp thức hóa tài liệu, báo cáo không trung thực về năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Theo cơ quan truy tố, sau khi được giúp đỡ cho gia hạn, giãn tiến độ Dự án, ông Trí hai lần đến nhà riêng của ông Minh tại quận 3, TP HCM, để đưa tổng cộng 10 tỷ đồng.

Hành vi của ông Minh có đủ dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ” nhưng ông này đã chết trước khi làm việc với cơ quan điều tra nên không xem xét, xử lý. Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành án, cơ quan tố tụng đã phong tỏa giao dịch hai bất động sản của vợ chồng ông Minh.

Đại gia Nguyễn Cao Trí đã hối lộ các cựu quan chức để 'đảo ngược tình thế' như thế nào? ảnh 3

Cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh.

Đáng chú ý, từ khi dự án được chấp thuận cho giãn tiến độ, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai, không xây dựng bất cứ hạng mục mới nào, thậm chí còn tiếp tục để xảy ra 24 vi phạm.

Viện kiểm sát đánh giá, sai phạm của các bị can trong vụ án đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Toàn bộ dự án lẽ ra phải được thu hồi cho Nhà nước, nhưng ông Trí đã bán cho Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland với giá trị thực tế là 27.600 tỷ đồng.

Công ty Thiên Vương sau đó đã thanh toán cho doanh nghiệp của ông Trí 2.700 tỷ đồng. Đây được xem là khoản tiền bị can "hưởng lợi bất chính", cần tịch thu sung công quỹ.

Trong vụ án, Viện kiểm sát cho rằng Tập đoàn Novaland có một phần lỗi khi ký hợp đồng giao dịch không đúng pháp luật. Tranh chấp giữa doanh nghiệp này với Nguyễn Cao Trí sẽ được xử lý trong vụ án dân sự khác.

Quá trình điều tra, ông Nguyễn Cao Trí nhận thức rõ sai phạm, chủ động cùng gia đình nộp lại 242 tỷ đồng và cam kết tiếp tục nộp đủ tiền hưởng lợi bất chính.

Các bị can từng làm cán bộ Thanh tra Chính phủ nhận thức được kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất là đúng, nhưng quá trình làm việc đều "nhận tiền" của Trí để hợp thức hóa tài liệu, báo cáo không trung thực về năng lực tài chính của doanh nghiệp.