Thông tin trên được đại diện các huyện báo cáo tại cuộc họp giao ban của “Ban chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội”, tổ chức ngày 30/5.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư như: Dự án Phục dựng không gian Điện Kính Thiên phải xin ý kiến Unesco. Công tác lập hồ sơ Dự án bảo tồn phục dựng thành hào khu di tích Cổ Loa phức tạp. Dự án bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu - phương án thiết kế thi tuyển chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết do Thủ tướng Chính phủ duyệt.
Toàn cảnh hội nghị giao ban ngày 30/5 |
Trong lĩnh vực y tế, hiện chưa có hướng dẫn về suất đầu tư của bệnh viện chuyên khoa; chưa xác định danh mục, cấu hình trang thiết bị phù hợp với quy mô bệnh viện, ảnh hưởng tới tiến độ dự án lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, 7 dự án trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại chưa trình hồ sơ đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư do chưa được phê duyệt tiêu chí xây dựng. Việc đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng đạt tiêu chí trường công lập đạt chuẩn quốc gia khó khăn do quỹ đất còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số dự án còn vướng mắc về quy hoạch; tiến độ phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo quy định của Chính phủ chậm; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển các dự án. Cụ thể, đại diện UBND huyện Phúc Thọ chia sẻ, huyện có 2 di tích quốc gia đặc biệt nhưng vướng quy hoạch. Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa của huyện cũng trong tình trạng tăng tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng lên 175 tỷ đồng.
Tương tự, đại diện UBND huyện Ứng Hòa cho biết, về phân cấp dự án trường THPT, huyện có 5 dự án với tổng 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư cũng đã tăng tổng mức đầu tư.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ kết quả. Đặc biệt là về số liệu, hạn chế, khó khăn vướng mắc để tập trung đưa ra các giải pháp. Trong đó, chú trọng vào bước phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu, thi công.
Ngoài ra, các địa phương phải lưu ý bố trí nguồn vốn đối ứng, đảm bảo kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ; Giao các Ban HĐND TP. tập trung theo dõi, giám sát tiến độ của địa phương; các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung thực hiện, tuyệt đối không để vướng mắc làm chậm tiến độ.