TP.HCM: Nhiều trường quốc tế công bố học phí mới, hầu hết tăngHọc phí trường quốc tế tại TP.HCM vượt 900 triệu đồng/năm
Năm 2025, học phí trường quốc tế tại TP.HCM ra sao?
Nhiều trường quốc tế tại Việt Nam đã thông báo mức học phí cho năm học 2025-2026 và bắt đầu khởi động các đợt tuyển sinh sớm.
Tại hệ thống Trường quốc tế EMASI, mức học phí được công bố trong năm học 2025-2026 dao động từ 95,7 triệu đồng/năm cho lớp tiền đề lớp 1 đến 250,5 triệu đồng/năm cho lớp 12. So với năm học 2024-2025, mức học phí này tăng từ khoảng 8 triệu đồng đến hơn 17 triệu đồng.
Cụ thể học phí lớp 1 năm học 2024-2025 tại EMASI là 92,6 triệu đồng/năm thì năm 2025-2026 là 100,8 triệu đồng/năm, tăng 8,2 triệu đồng. Tương tự, học phí lớp 6 tăng 13,3 triệu đồng từ 151,6 triệu đồng/năm lên 164,9 triệu đồng/năm, học phí lớp 10 tăng 17,8 triệu đồng từ 204,1 triệu đồng/năm lên 221,9 triệu đồng/năm.
Trường Victoria cơ sở Nam Sài Gòn cũng đã công bố học phí năm học 2025-2026 và điều chỉnh theo hướng tăng so với năm học 2024-2025. Học phí năm học sau của chương trình song ngữ dao động từ 256,8 triệu đồng/năm (lớp 9) đến 347,6 triệu đồng/năm (lớp 12). Học phí chương trình quốc tế song ngữ dao động từ 145,2 triệu đồng/năm (lớp 1) đến 564 triệu đồng/năm (lớp 12). Học phí chương trình đơn ngữ dao động từ 312,1 triệu đồng/năm (lớp 6) đến 564 triệu đồng/năm (lớp 12).
Một số trường quốc tế công bố mức học phí theo hướng giữ nguyên so với năm 2024-2025. Trường Nam Úc Scotch AGS công bố mức học phí trước ưu đãi dao động từ 316,9 triệu đồng/năm cho lớp 1 và 521,5 triệu đồng/năm cho lớp 12. Trường có 3 đợt tuyển sinh, đợt tuyển sinh sớm kéo dài đến ngày 15-2-2025.
Tương tự, biểu phí công khai của Trường quốc tế TIS thông báo mức học phí cho học sinh bán trú năm học sau dao động từ 137,3 triệu đồng/năm với lớp 1 đến 269 triệu đồng/năm với lớp 12. Với học sinh nội trú, học phí dao động từ 236,7 triệu đồng/năm với lớp 2 đến 395,2 triệu đồng/năm với lớp 12. Mức học phí này tương đương với năm học 2024-2025.
Phụ huynh lưu ý gì?
Phó hiệu trưởng một trường quốc tế tại Q.7 (TP.HCM) giải thích việc điều chỉnh học phí tăng gần như là bắt buộc trong vận hành một trường tư thục, quốc tế. Mức tăng học phí này thường để đảm bảo hai lý do chính.
Một là để cân bằng với lạm phát khi giá cả hàng hóa, dịch vụ và các chi phí khác thường tăng mỗi năm. Trong đó, khoản tăng gần như phải có mỗi năm là tăng lương cho giáo viên và đội ngũ nhân sự.
Thứ hai là để trường có nguồn tiền tái đầu tư. Một số trường thường phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới, trang thiết bị hiện đại hoặc các chương trình học tập mới. Bên cạnh đó còn nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên thông qua các khóa đào tạo chuyên môn.
Ngoài hai lý do chính, theo vị này, một số trường cũng có thể sử dụng chi phí tăng thêm để cải thiện dịch vụ hỗ trợ hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. "Đặc biệt, có một số trường có danh tiếng hoặc chương trình học đạt chuẩn quốc tế thường tăng học phí như một cách để duy trì thương hiệu của mình", ông nói.
Theo TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, do hầu hết các trường tư thục, quốc tế đều sẽ tăng học phí mỗi năm, phụ huynh cần lưu ý điều này khi tìm hiểu trường học cho con để có kế hoạch tài chính phù hợp nhất.
Phụ huynh có thể yêu cầu trường thông tin lộ trình tăng học phí mỗi năm này từ đầu. Nếu quyết định cho học từ lớp 1 đến lớp 12, lộ trình tăng vài phần trăm học phí mỗi năm trong suốt 12 năm cũng là một con số đáng kể, do đó nếu không tính toán kỹ, phụ huynh có thể "hụt" hơi.
Giám sát tăng học phí
Mỗi năm, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường ngoài công lập thực hiện kê khai giá dịch vụ giáo dục, nhằm tạo cơ sở để cơ quan quản lý giám sát mức tăng học phí qua từng năm học. Nếu trường nào tăng học phí vượt quá 10%, Sở GD-ĐT sẽ gửi văn bản nhắc nhở và yêu cầu điều chỉnh mức tăng sao cho phù hợp với quy định.
Quy định được tăng bao nhiêu?
Hiện tại, mức học phí của các trường tư thục được thực hiện theo nghị định 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo đó, các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định.
Cụ thể, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có trách nhiệm thuyết minh chi phí giáo dục, đào tạo bình quân một học sinh, mức thu học phí hằng năm, mức thu học phí toàn cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Tỉ lệ tăng học phí các năm tiếp theo, trong đó tỉ lệ tăng hằng năm không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.