Nhà đầu tư bị làm khó với dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi?

Admin

Việc nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp là cần thiết, nhưng nếu quy định chưa hợp lý, không phù hợp với thực tế... sẽ tạo ra những rào cản với giới đầu tư và cả thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư chứng khoán bị làm khó? - Ảnh 1.

Theo tiêu chí mới được đưa vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ bị làm khó - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) và chuyên gia chứng khoán đều có chung nhận định này khi trao đổi với chúng tôi về dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó bổ sung nhiều quy định liên quan NĐT cá nhân chuyên nghiệp (professional trader) như phải tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất, có thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất...

Khuyến khích đầu tư "lướt sóng"?

Chia sẻ trên trang cá nhân, một chuyên gia tài chính kiêm NĐT chứng khoán cho biết trong cả năm 2023, cá nhân anh đặt và khớp 8 lệnh, gồm cả mua và bán, có xác nhận của công ty chứng khoán là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.

Do đó, với các tiêu chí được bổ sung tại dự thảo luật, NĐT này cho biết bản thân sẽ không còn đủ điều kiện là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp nữa, đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện để có thể mua trái phiếu phát hành riêng lẻ theo luật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC - nhấn mạnh ủng hộ định hướng xây dựng thị trường trái phiếu minh bạch với việc nâng cao rào cản tham gia thị trường. Tuy nhiên, bảo vệ NĐT không đồng nghĩa phải thu hẹp đối tượng được quyền giao dịch trái phiếu.

"Các quy định bổ sung về điều kiện là NĐT chuyên nghiệp tại dự thảo có những điểm không hợp lý, đặc biệt là việc quy định NĐT cá nhân phải có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần trong 4 quý gần nhất", ông Huy nói và khẳng định những người có chiến lược đầu tư dài hạn luôn có số lần giao dịch thấp.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Trung - giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty CP chứng khoán Thành Công, NĐT chuyên nghiệp không nhất thiết phải giao dịch nhiều. "Giao dịch với tần suất nhiều thường là các NĐT có thiên hướng lướt sóng, trong khi nhiều NĐT chuyên nghiệp có quý chỉ đặt 1-2 lệnh", ông Trung khẳng định.

Cũng theo ông Trung, có không ít khách hàng của công ty này dù "đi lệnh" ít nhưng lại hiệu quả vì có chiến lược hợp lý, lâu dài. Nếu quy định mới được áp dụng, khả năng nhiều NĐT vốn chuyên nghiệp lại thành nghiệp dư.

"Nếu áp dụng tiêu chí này, tỉ lệ khách hàng chuyên nghiệp bên chúng tôi chắc chỉ còn 10-15%", ông Trung nói và cho rằng khái niệm NĐT cá nhân chuyên nghiệp nên tập trung vào các tiêu chí như: kiến thức, tài sản, thu nhập... hơn là vấn đề tần suất giao dịch.

Lo nhà đầu tư dài hạn gặp khó

Thống kê từ một số đơn vị xếp hạng tín nhiệm cho thấy NĐT cá nhân là nhóm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều thứ hai chỉ sau các ngân hàng. Đây là thị trường có quy mô nhỏ, cần có giải pháp nâng cao chất lượng trái phiếu, khuyến khích NĐT tham gia. Nhưng với các tiêu chí mới này, theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng nhiều NĐT có thể sẽ rút khỏi thị trường.

Ông Huỳnh Hoàng Phương - cố vấn mảng quản lý gia sản của FIDT - cho biết NĐT chuyên nghiệp thường được đánh giá qua hai loại tiêu chí: có năng lực tài chính hoặc trình độ chuyên môn. Luật hiện hành quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp khi đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí là tài sản chứng khoán ròng tối thiểu 2 tỉ hoặc thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm.

"Còn đề xuất sửa đổi trong đó bổ sung số lần giao dịch thì không phải là 1 trong 2 yếu tố về trình độ chuyên môn hay năng lực tài chính. Do đó, đề xuất khó tránh gây tranh cãi", ông Phương nói.

Dù khẳng định việc siết chặt quy định về NĐT chuyên nghiệp là cần thiết để hạn chế rủi ro cho NĐT, đặc biệt là đối với việc NĐT tham gia thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ, nhưng theo ông Phương, đây cũng là giải pháp tạm thời khi các sản phẩm đầu tư tại VN chưa đa dạng, đặc biệt thị trường trái phiếu phát hành ra công chúng chưa thực sự phát triển.

Tuy nhiên điều này cũng gây khó khăn nhất định với các NĐT dài hạn. "Với số lần là 10 lần/quý tương đương trung bình hơn 3 lần/tháng không phải kích thích giao dịch quá nhiều nhưng cũng là hạn chế với một số NĐT dài hạn vốn chỉ tái phân bổ danh mục theo chiến lược", ông Phương nêu bất cập.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Khánh - giám đốc phân tích Chứng khoán Smart Invest (AAS) - cho rằng không cần thiết siết lại bằng việc quy định đồng thời 1 tỉ thu nhập cùng với tần suất giao dịch. "Thay vào đó, quy định NĐT mua trái phiếu thông qua các tổ chức như quỹ, đẩy chức năng thẩm định về phía các đơn vị này", ông Khánh gợi ý.

Nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch

Trong thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch, bù trừ và thanh toán, vừa được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 2-11-2024, NĐT nước ngoài mua cổ phiếu không còn phải đáp ứng yêu cầu có đủ tiền (non pre-funding) khi đặt lệnh như trước đây.

Thay vào đó các công ty chứng khoán phải đánh giá năng lực của khách hàng nhằm xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận. Nếu NĐT tổ chức nước ngoài thiếu tiền, công ty chứng khoán sẽ thanh toán phần thiếu thông qua tài khoản tự doanh của mình.

Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên gia Chứng khoán SSI, cho rằng đây là một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell (một tổ chức xếp hạng quốc tế).

Theo chuyên gia SSI, với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, ước tính sơ bộ dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỉ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động.

Các nước quy định thế nào là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp"?

Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc khối nghiên cứu và phân tích khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta - cho biết quy định về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp nhiều nước chỉ tập trung vào 3 yếu tố chính gồm kinh nghiệm trên thị trường, giá trị tài sản ròng (NAV) và thu nhập hằng năm hay tài sản tài chính, không có tần suất giao dịch.

Chẳng hạn tại Singapore, NĐT chuyên nghiệp được Cơ quan Tiền tệ Singapore quy định là đáp ứng tiêu chí: có giá trị tài sản ròng vượt quá 2 triệu SGD, hoặc có thu nhập hằng năm ít nhất 300.000 SGD, hoặc tài sản tài chính vượt 1 triệu SGD. Ủy ban Chứng khoán Malaysia quy định NĐT cá nhân chuyên nghiệp: phải có tổng tài sản cá nhân vượt 3 triệu MYR hoặc có thu nhập hằng năm không dưới 300.000 MYR.

Tại Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch quy định NĐT chuyên nghiệp cá nhân cần có tài sản ròng ít nhất 30 triệu baht, hoặc có thu nhập hằng năm ít nhất 3 triệu baht, hoặc đầu tư vào chứng khoán và phái sinh ít nhất 8 triệu baht...

Nhà đầu tư chứng khoán bị làm khó? - Ảnh 2.Từ ngày 2-11, nhà đầu tư ngoại mua chứng khoán không cần ký quỹ đủ tiền

Thông tư về chứng khoán vừa được ký ban hành bỏ điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch, mở đường cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.