Những kỷ vật đặc biệt gắn liền với chiến thắng Buôn Ma Thuột

Admin

TPO - Tỉnh Đắk Lắk vinh dự đón nhận một số kỷ vật quý giá gắn liền với chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975 do Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao tặng. Đây là những kỷ vật vô giá mà Trung tướng đã gìn giữ suốt nửa thế kỷ qua.

Tối 6/4, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Thành ủy, Ủy ban nhân dân TPHCM và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình giao lưu chính luận, nghệ thuật “Bản trường ca hòa bình” tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP

Điểm cầu tỉnh Đắk Lắk được tổ chức tại Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Chương trình đã mang tới nhiều câu chuyện, hồi ức bi tráng, giàu cảm xúc của các nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3) – người chỉ huy chiếc xe tăng 980 đã đánh vào sư bộ 23 ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột) vào ngày 10 và 11/3/1975, không khỏi xúc động khi nói về sự hy sinh của đồng đội tham gia tại trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột.

Những kỷ vật đặc biệt gắn liền với chiến thắng Buôn Ma Thuột ảnh 2

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tặng tỉnh Đắk Lắk 4 chiếc mũ xe tăng của 4 thành viên cùng tham gia chiến đấu trên xe tăng 980.

Dịp này, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã tặng tỉnh Đắk Lắk 4 chiếc mũ xe tăng của 4 thành viên cùng tham gia chiến đấu trên chiếc xe tăng 980 ngày ấy.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao tặng Bằng khen cho Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng.

Những

Chiếc mũ có gắn tai nghe, máy nói để các thành viên nắm bắt thông tin và liên lạc với nhau.

Mỗi hiện vật, kỉ vật của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng là một câu chuyện, một phần của lịch sử, về những ngày tháng gian khổ, những trận chiến ác liệt và sự kiên cường bất khuất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ những thông tin liên quan đến chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 980 – phương tiện mà ông trực tiếp chỉ huy trong trận đánh lịch sử ấy.

Nhằm ghi nhớ chiến công của quân và dân ta trong trận Buôn Ma Thuột, đặc biệt là vai trò quan trọng của xe tăng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định xây dựng Tượng đài Chiến thắng ở khu vực Ngã Sáu. Trên tượng đài này là mô hình chiếc xe tăng mang số hiệu 980.

Những kỷ vật đặc biệt gắn liền với chiến thắng Buôn Ma Thuột ảnh 4

Chiếc đài thông tin liên lạc P-123 trên xe tăng.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể, trong xe tăng 980 lúc đó có 4 người tham gia chiến đấu, với 4 nhiệm vụ khác. Quá trình chiến đấu, mỗi thành viên trên xe tăng 980 bắt buộc phải đội chiếc mũ có gắn tai nghe, máy nói để thường xuyên nắm bắt thông tin và liên lạc với nhau. Trên mũ có những cái gờ cao su để chống va đập, chiếc mũ này là một hệ thống thông tin, nếu không có chiếc mũ này thì 4 thành viên trong xe không thể liên lạc với nhau được vì tiếng máy nổ gầm rú, kêu rất lớn.

Cả 4 chiếc mũ nói trên đều được kết nối với đài thông tin liên lạc P-123 trên xe tăng. Đây là hệ thống liên lạc nội bộ và với sở chỉ huy, giúp các xe trong đội hình tác chiến trao đổi thông tin theo nhiều tần số khác nhau. Với tầm quan trọng này, chiếc đài được đặt bên trái của trưởng xe tăng. Nếu không có chiếc đài này thì xe tăng không hoạt động được.

Ngoài các thiết bị quan trọng trên, xe tăng 980 còn có một chiếc đồng hồ hành trình thời gian, có khả năng chịu va đập cực tốt trong quá trình chiến đấu. Chiếc đồng hồ này đã theo ông Hưởng suốt hơn 50 năm nay như một kỷ vật vô giá.

Những kỷ vật đặc biệt gắn liền với chiến thắng Buôn Ma Thuột ảnh 5

Chiếc đồng hồ hành trình thời gian đã theo ông Hưởng hơn 50 năm nay.

Khi được giao chỉ huy xe tăng 980 thì ông Hưởng được cấp dao găm. “Chiếc dao găm này tôi dùng để cắt dây cố định đạn, chính nâng được hệ số này mới có đạn để đánh trong ngày 11/3/1975 vào Sư bộ 23 nên tôi nhớ mãi không bao giờ quên”, ông Hưởng chia sẻ.

Miếng vải dù được cắt và may lại từ chiến lợi phẩm lấy được của địch ở Chiến trường Tây Nguyên, theo Trung tướng Hưởng: “Đêm 30 Tết, khi đi trinh sát chuẩn bị cho kế hoạch đánh Buôn Ma Thuột, tôi mang theo miếng vải dù này, khi nằm ở nghĩa trang trời mưa lất phất tôi trùm lên để tránh rét và ngụy trang tránh pháo sáng của địch phát hiện”.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao tặng những hiện vật trên cho tỉnh Đắk Lắk bảo quản, lưu giữ, phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng.