Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã họp và thông qua tờ trình của Ủy ban Kinh tế tài chính và văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam về đề xuất nâng mức thù lao của chức danh chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ 50 triệu đồng/tháng lên 100 triệu đồng/tháng.
Thông tin này đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong giới luật sư và dư luận nói chung. Có người cho rằng mức thù lao cao như vậy là hợp lý, bởi nếu không làm công việc đó thì luật sư cũng có thể có thu nhập nhiều hơn mức thù lao đó từ hoạt động nghề nghiệp.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đề xuất mức thù lao như vậy là chưa nhìn thấy sự khó khăn của các luật sư nói chung, vì để hành nghề được luật sư phải đầu tư rất nhiều chi phí.
Tăng thù lao phải tỉ lệ thuận với trách nhiệm
Một phó chủ nhiệm đoàn luật sư cho rằng các vấn đề về thù lao cho chủ tịch, phó chủ tịch hay cho nhân viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam đều được ghi nhận trong quy chế làm việc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Gần đây có nhiều ý kiến tranh cãi về đề xuất tăng thù lao cho chủ tịch liên đoàn từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/tháng, theo vị này, mức thù lao 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng không phải là vấn đề quan trọng nếu như ngân sách của liên đoàn vẫn còn có thể đáp ứng được, vẫn có thể kết dư cuối năm dương. Tuy nhiên mức thù lao của chủ tịch cũng nên đảm bảo hài hòa với tất cả nhân viên khác ở văn phòng liên đoàn.
Theo vị này, hiện nay mức thù lao cho chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 50 triệu đồng/tháng. Mức thù lao này được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua bằng nghị quyết. Thực tế sau khi chi trả thù lao cho chủ tịch liên đoàn thì ngân quỹ của liên đoàn vẫn còn dư. Đến nay việc thu chi, tài chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam rất công khai minh bạch và được báo cáo chi tiết từ các khoản nhỏ để các thành viên của Hội đồng Luật sư toàn quốc xem xét.
Về ý kiến cho rằng khi trả thù lao cho chủ tịch liên đoàn cao thì liên đoàn không còn nhiều kinh phí để tổ chức các hoạt động nghiệp vụ cho các luật sư thành viên nữa, vị này cho rằng việc tăng thù lao cho chủ tịch liên đoàn cần phải được Hội đồng Luật sư toàn quốc cân nhắc quyết định trên cơ sở Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc.
Song việc tăng thù lao cũng đồng nghĩa đặt ra yêu cầu, kỳ vọng tăng trách nhiệm của chủ tịch và Ban Thường vụ Liên đoàn nhằm tạo ra nhiều phúc lợi cho luật sư thành viên.
Vị này đánh giá trong khoảng 10 năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cùng với các đoàn luật sư tổ chức được nhiều kỳ thi luật sư có chất lượng tốt và chất lượng ngày càng cao hơn, tổ chức các lớp học tập cho các luật sư nâng cao nghiệp vụ, giúp nâng cao vị thế của luật sư trong xã hội.
Điều này không thể phủ nhận đóng góp của Ban Thường vụ Liên đoàn, trong đó có chủ tịch. Bên cạnh đó, chủ tịch liên đoàn cũng ứng cử đại biểu Quốc hội và là một nhân vật chính trị, cho nên có những vấn đề của luật sư sẽ được nêu và giải quyết uyển chuyển.
Tăng thù lao để tạo động lực
Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một vị chuyên trách, chủ tịch liên đoàn không được hành nghề luật sư nên mức thù lao này không phải là cao, trong khi khối lượng công việc rất nhiều nên không nhiều người muốn làm.
Trong khi đó, điều kiện để trở thành chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng rất khó, không chỉ cần uy tín trong giới luật sư mà còn phải có khả năng xây dựng và giữ mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức đoàn thể ở trung ương và địa phương.
Một luật sư có uy tín, có kinh nghiệm, đủ tiêu chuẩn để trở thành chủ tịch liên đoàn, nếu được hoạt động nghề nghiệp luật sư như thông thường thì có thể có thù lao cao hơn mức thù lao kể trên. Do đó, việc tăng thù lao cho chủ tịch liên đoàn cũng là động lực cho người này toàn tâm toàn ý cho công việc của liên đoàn luật sư.
Trong khi đó, một luật sư đã hành nghề 30 năm cho rằng mức thu nhập chung của luật sư không cao, để đạt mức 100 triệu đồng/tháng ở cả liên đoàn thì chỉ có vài trăm người (trong tổng số khoảng 20.000 người).
Do đó, mức thù lao dành cho chủ tịch liên đoàn luật sư lên tới 100 triệu/tháng là không thỏa đáng. Những người đề xuất không nhìn thấy đời sống, thu nhập thực sự của anh em luật sư nói chung.
Lấy thu nhập của vài người, của vài văn phòng để khẳng định nếu hành nghề thì luật sư cũng đạt mức thu nhập như vậy là chưa chính xác.
Vị này đề nghị giữ nguyên mức thù lao như cũ.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng
Lý do là hiện nay, ngoài việc điều hành các hoạt động của liên đoàn theo quy định của điều lệ, chủ tịch liên đoàn còn đảm nhiệm nhiều công tác quan trọng khác do Đảng, Nhà nước giao phó như bí thư Đảng đoàn liên đoàn, đại biểu Quốc hội khóa XV, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, thành viên Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương...
Xét thấy trong thời điểm hiện nay, nguồn thu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể đáp ứng được việc chi trả thù lao cho chức danh chủ tịch liên đoàn ở mức phù hợp hơn như hiện nay để động viên và bù đắp những đóng góp và lao động chính đáng của chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian qua.
Việc điều chỉnh mức thù lao của chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần này cũng là để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 4. Chức danh chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có mức thù lao tương xứng để nếu luật sư nào đảm nhận chức danh đó thì họ sẽ được hưởng mức thù lao đã được ban thường vụ thông qua.