Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Admin

 

Ảnh minh họa  ​ Ảnh minh họa

 

Tại tọa đàm “Nông nghiệp tuần hoàn - sản xuất và tiêu dùng bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3, năm 2024, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu đã chia sẻ những kinh nghiệm khi xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

 

Trước xu thế phát triển của các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường trên thế giới trong vài ba thập niên trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã có lộ trình, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách được ban hành trong nhiều năm qua. Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, khái niệm kinh tế tuần hoàn được đưa ra trong Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

 

Có thể hiểu, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là việc áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một dạng nông nghiệp sinh thái.

 

Trong 3 năm gần đây, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cụ thể, Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 540/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng; Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Đây được coi là nguồn tài nguyên lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

 

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, cho biết hiện Viện đang thực hiện khoảng 20 dự án về các công nghệ xử lý chế biến các loại phụ phẩm cây trồng (lúa, cao su, mía đường, điều, cà phê…); xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã được chuyển giao cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngân, Giám đốc Công ty Viet Haus, cho hay công ty hiện nay đang xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn cho cây điều. Đến nay, có 4.000 ha điều đã được chứng nhận hữu cơ. Viet Haus không chỉ thu hoạch hạt điều mà còn thu quả điều đem chế biến thành thực phẩm chay - loại thực phẩm đang rất được ưa chuộng ở châu Âu vì giàu dưỡng chất. Công nghệ chế biến quả điều thành thực phẩm được các doanh nghiệp ở châu Âu nghiên cứu và đặt hàng Viet Haus sản xuất. “Chúng ta tiếp cận mô hình doanh nghiệp không chỉ là mua bán hàng hóa, mà từ những thứ bỏ đi sẽ tạo ra được hàng hóa giá trị cao để gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Chúng tôi gọi là mô hình hệ sinh thái liên kết kiến tạo giá trị một cách bền vững”, bà Ngân nhấn mạnh.

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Cố vấn cao cấp của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), cho biết chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi được Chính phủ Hà Lan và Tổ chức SNV hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện, đã trải qua nhiều giai đoạn. Hàng trăm nghìn công trình khí sinh học đã được lắp đặt tại các chuồng chăn nuôi quy mô nhỏ hộ nông dân, tận dụng chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, sản xuất năng lượng tái tạo.

 

Trong giai đoạn hiện nay, chương trình đang triển khai thực hiện dự án năng lượng khí sinh học trong nền nông nghiệp tuần hoàn, cung cấp máy phát điện biogas cho các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Sau 3 năm triển khai, dự án đã lắp đặt máy phát điện biogas tại hơn 100 trang trại ở 18 tỉnh, thành phố trên cả nước; đặc biệt nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn như Dabaco, CP… đã sử dụng chất thải chăn nuôi để phát điện phục vụ tại chỗ cho chính các trang trại chăn nuôi. Dự án cũng đã đăng ký thành công tín chỉ carbon. Bà Hương cho rằng đây cũng là bước chuyển mình của SNV và các trang trại chăn nuôi lớn tại Việt Nam.

Thiên Trường

Luật Đất đai 2024 - Cơ hội hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phấn đấu vào top 15 về nông nghiệp hữu cơ Nông nghiệp hữu cơ – giải pháp bền vững cho cây trồng và biến đổi khí hậu Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phấn đấu sản xuất nông nghiệp hữu cơ như các nước tiên tiến