TP Huế: Hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng tham gia thỏa thuận quản lý rừng

Admin

Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính, thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (gọi tắt là ERPA) đã đem đến nguồn hỗ trợ phát triển sinh kế mới cho nhiều cộng đồng/thôn trên địa bàn thành phố Huế.

Tại thành phố Huế, nguồn chi trả ERPA được điều phối theo chương trình trong 3 năm (2023-2025) là gần 136 tỷ đồng. Từ nguồn tiền ERPA năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Huế đã chi trả 35,7 tỷ đồng cho hơn 204 nghìn ha của628 chủ rừng, bao gồm: 11 chủ rừng tổ chức, 54 UBND cấp xã, 3 tổ chức khác và 560 cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Theo kế hoạch chi trả nguồn tiền năm 2024, dự kiến chi trả 42,1 tỷ đồng cho hơn 205 nghìn ha của 620 chủ rừng đang quản lý bảo vệ.

TP Huế: Hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng tham gia thỏa thuận quản lý rừng ảnh 1

Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân phối hợp UBND xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Huế), tổ chức họp với các cộng đồng/thôn tham gia quản lý bảo vệ rừng.

Đến nay, riêng đối với các cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế đã nhận được hỗ trợ hơn 20,5 tỷ đồng từ nguồn ERPA nhằm bổ sung nguồn lực cho các cộng đồng thực hiện bảo vệ hơn 52,6 nghìn ha rừng tự nhiên trên địa bàn thành phố. Trong đó, bao gồm hơn 21,6 nghìn ha rừng được các chủ rừng tổ chức giao khoán cho các cộng đồng/thôn với nguồn kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng và gần 31 nghìn ha rừng tự nhiên được nhà nước giao quản lý đã nhận được hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ERPA.

Nắm bắt được mục tiêu của Nghị định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm hỗ trợ tối đa cho các cộng đồng/thôn sinh sống lân cận các khu rừng tự nhiên trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao đời sống và giảm thiểu tác động xấu đến khu vực rừng tự nhiên, năm 2023, ngay sau khi nhận được Công văn thông báo về nguồn tiền ERPA, các chủ rừng là tổ chức đã chủ động phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương lân cận vùng ranh giới khu rừng của mình được giao quản lý thực hiện rà soát, tổ chức họp với các đại diện cộng đồng/thôn tìm hiểu nhu cầu tham gia thỏa thuận quản lý rừng và chia sẻ nội dung lợi ích của cộng đồng/thôn khi tham gia.

TP Huế: Hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng tham gia thỏa thuận quản lý rừng ảnh 2

Cụ thể, từ nguồn ERPA năm 2023, trên địa bàn thành phố Huế có 8 đơn vị chủ rừng là tổ chức ký kết với 105 cộng đồng/thôn thỏa thuận tham gia quản lý rừng, với tổng diện tích nhận khoán là 21.645,66 ha trên địa bàn 4 huyện/thị xã (Phú Lộc, A Lưới, thị xã Phong Điền và thị xã Hương Trà) với tổng số tiền gần 8,5 tỷ đồng và được hỗ trợ sinh kế với tổng số tiền là 4,95 tỷ đồng tập trung vào các hoạt động như xây dựng hàng rào, cổng chào, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hỗ trợ con giống, cây giống... Đến nay, toàn bộ công trình triển khai đã được hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Nguồn tiền từ ERPA đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống cho cộng đồng người dân, từ đó tác động đến hành động cụ thể của người dân trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng, giữ gìn bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến môi trường rừng.

TP Huế: Hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng tham gia thỏa thuận quản lý rừng ảnh 3

Công trình hệ thống tuyến đường điện năng lượng mặt trời tại Cộng đồng thôn Đụt 2, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Huế.

Thêm vào đó, chính sách góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng, cũng như đảm bảo an sinh xã hội của người làm nghề rừng. Hiệu quả bảo vệ rừng đã được nâng lên đáng kể cả về tần suất và chất lượng, đồng thời mang đến nguồn tài chính mới cho người dân, bổ sung đáng kể vào nguồn thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng.

Đặc biệt, chương trình đã giúp gần 70% đồng bào dân tộc thiểu số sống ven rừng cải thiện cuộc sống. Chi trả ERPA đã tạo ra cơ hội gắn kết các cộng đồng với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.