Theo TS Nguyễn Hữu Dũng-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau năm 1954, với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn từ chối thực hiện Hiệp định Genève, lập nên ở miền Nam chính thể Việt Nam Cộng hòa, chia cắt lâu dài Việt Nam. Trước tình hình đó, T.Ư Đảng xác định cách mạng Việt Nam phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Để đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1960, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ khi thành lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vừa là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân miền Nam đứng lên chống Mỹ và chế độ Sài Gòn, vừa là người đại diện cho nhân dân miền Nam trong đối nội và đối ngoại.
Quang cảnh Hội thảo khoa học. |
“Đấu tranh ngoại giao đã thực sự là một mặt trận quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, song Đảng, Chính phủ Việt Nam cho rằng trong việc phối hợp giữa ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao thì đấu tranh quân sự là nhân tố, là điều kiện tiên quyết, quyết định đến thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Việt Nam chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường’, ông Nguyễn Hữu Dũng nói.
Trước các yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến, từ 6-8/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp tại Chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Tham dự Đại hội có các đại biểu đại diện cho các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam bao gồm các chính đảng, các dân tộc, tôn giáo, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên xung phong… Trong Báo cáo Chính trị đọc trước Đại hội, thay mặt Ban trù bị, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ-Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nêu rõ: “Thắng lợi to lớn của quân và dân ta đã dẫn đến sự hình thành các vùng giải phóng rộng lớn từ Nam sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau, tạo một thế đứng mạnh mẽ cho quân và dân ta đánh địch khắp mọi nơi. Trên những vùng giải phóng đó, chánh quyền cách mạng đã ra đời, một chánh quyền thật sự đại diện nhiều quyền lợi và nguyện vọng chánh đáng của nhân dân ta. Các mặt công tác, sản xuất, văn hóa, giáo dục, thông tin, y tế không ngừng phát triển. Nền móng của một chế độ độc lập, tự do, thật sự dân chủ được xây dựng”.
Đại hội đã bầu Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời. Thành phần Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN gồm: Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Tấn Phát; các Phó Chủ tịch là Phùng Văn Cung, Nguyễn Văn Kiết, Nguyễn Đóa. Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN gồm Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Phó Chủ tịch, Luật sư Trịnh Đình Thảo.
Việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN cũng như chính quyền nhân dân các cấp đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng miền Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời trở thành người đại diện chân chính và duy nhất của nhân dân miền Nam ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Lễ ký kết Hiệp định hữu nghị giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMN Việt Nam và Chính phủ CHDC Đức, năm 1974 ẢNH: TƯ LIỆU |
Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho hay, về đối ngoại, ngay sau khi tuyên bố thành lập, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đã đi thăm các nước như Vương quốc Campuchia, thăm Mặt trận Lào yêu nước ở căn cứ Sầm Nưa, thăm các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Anbani, Ba Lan, Bungari, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungari, Mông Cổ, Tiệp Khắc, Triều Tiên. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam còn được công nhận là thành viên chính thức của Phong trào không liên kết tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước không liên kết được tổ chức tại Guyana năm 1972.
Tại Hội nghị Paris về Việt Nam, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, và tiếp đó là Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đã kiên trì và kiên quyết đấu tranh, góp phần vào việc buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và rút hết quân Mỹ về nước theo tinh thần được thể hiện trong lập trường 5 điểm và giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Như Tiền Phong đã thông tin, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Ông Nguyễn Xuân Thắng-Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo; dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng và cán bộ, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với sự thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN thể hiện sự sáng tạo độc đáo, mang tính chiến lược của Đảng. Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN trở thành người đại diện chân chính và duy nhất cho nhân dân miền Nam trên cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại. “Với sự thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, vị thế và uy tín của cách mạng miền Nam ngày càng cao và mở rộng trên thế giới, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nói.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang cho biết, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN cùng với nhân dân cả nước đã phát huy truyền thống anh hùng, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã lãnh đạo nhân dân miền Nam cùng với nhân dân cả nước tiến tới Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới Tổng tuyển cử- thống nhất đất nước.
(Còn nữa)