Vì sao Hà Nội 'tắc' thiết kế đô thị?

Admin

TP - Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã họp nghe UBND thành phố trình bày thiết kế đô thị đường Lý Thường Kiệt. Đây là một trong những tuyến phố đầu tiên có thiết kế đô thị.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã lập quy hoạch thiết kế đô thị 1/500 tuyến phố Lý Thường Kiệt với chiều dài tuyến 1,8km.

Vì sao Hà Nội 'tắc' thiết kế đô thị? ảnh 1

Tuyến phố Minh Khai sau mở đường vẫn nhếch nhác vì thiếu quy hoạch chi tiết

Thiết kế đô thị sẽ đề ra các chỉ tiêu, giải pháp quy hoạch áp dụng cho tuyến phố. Đồng thời định hướng, đưa ra các yêu cầu về chỉ tiêu quy hoạch (số tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi so với chỉ giới đường đỏ, khoảng cách xây dựng công trình so với ranh giới đất...) cho từng loại công trình trong phạm vi nghiên cứu, tuân thủ định hướng quy hoạch cấp trên được duyệt, các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế và quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố.

Tuyến phố sẽ được chuẩn hóa các hoạt động thiết kế, xây dựng (đối với khu vực dân cư hiện có cải tạo chỉnh trang); định hình tiêu chí, yêu cầu, nguyên tắc (bắt buộc) đối với công trình kiến trúc điểm nhấn; khuyến khích giảm mật độ; tăng khoảng lùi, khoảng cách xây dựng công trình, tỷ lệ cây xanh trên mặt đứng, mái, xác định màu sắc, vật liệu chủ đạo các công trình trên tuyến đường...; đảm bảo ngôn ngữ kiến trúc, hình khối, không gian, hài hòa tổng thể khu vực; quy định về quảng cáo, biển hiệu, hệ thống thông tin liên lạc, các tiện ích và trang thiết bị đô thị, vùng bảo vệ các công trình di tích,... trên dọc tuyến phố đảm bảo trật tự văn minh đô thị, hướng tới sự phát triển bền vững, an toàn và tiện nghi.

Đối với các công trình biệt thự - nhà cổ - công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954, các công trình an ninh quốc phòng, nghiên cứu các vị trí điểm nhấn kiến trúc, không gian kiến trúc cũng có các giải pháp chỉnh trang để giữ được quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên toàn tuyến.

Nhiều khó khăn trong lập đồ án thiết kế đô thị

Tại đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), cuối năm 2020 có hàng trăm ngôi nhà mới được xây dựng sau khi tuyến đường này được mở rộng. Tại thời điểm đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hướng dẫn các tiêu chuẩn xây dựng sau khi mở đường. Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, căn cứ vào những tiêu chuẩn thành phố ban hành, UBND quận cấp giấy phép xây dựng cho các công trình mới tại đây. Theo đó, các công trình xây mới phải đảm bảo đồng cốt tầng 2, tầng 3, màu sơn phù hợp. Đặc biệt, UBND quận không cấp phép xây dựng ban công để tránh tình trạng nhà “thò ra, thụt vào” gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên đến thời điểm này, có thể thấy tuyến phố đã hoàn thiện, các công trình xây dựng ở đây vẫn mỗi nhà một vẻ, thậm chí có cả những ngôi nhà méo mó.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng: Hiện trạng lộn xộn ở nhiều tuyến phố không hẳn chỉ do việc xây dựng, cơi nới trái phép mà có thể do công tác cấp phép xây dựng thiếu định hướng hoặc việc xây dựng không có quy định, định hướng mang tính tổng thể

Về tiến độ lập các đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố, ông Huy nhận định công tác này đang làm chậm, chưa đáp ứng kịp, dẫn đến công tác cấp phép xây dựng cũng gặp khó. Chính quyền địa phương cấp phép cho nhà dân không có căn cứ tổng thể kiến trúc chung.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, từ 20 năm trước, đã có nhiều tổ chức làm việc với thành phố Hà Nội để lập thiết kế đô thị cho các tuyến phố trung tâm như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tuyến phố nào có thiết kế đô thị, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, trong đó có việc sở hữu công tư đan xen, thiếu nguồn lực lập thiết kế đô thị…