'Ba tăng tốc' là động lực thúc đẩy kinh tế tăng tốc

Admin

TPO - Sáu tháng đầu năm nay, GDP Việt Nam tăng 7,52% – mức cao nhất trong 15 năm qua. 6 tháng cuối năm, đầu tư công, tín dụng, tiêu dùng... sẽ là 'ba tăng tốc", là những động lực trọng yếu giúp kinh tế tăng tốc.

Nửa chặng đường nhiều điểm sáng

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, căng thẳng địa chính trị gia tăng, đồng USD mạnh gây áp lực lên các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2025.

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), GDP nửa đầu năm nay tăng 7,52% so với cùng kỳ 2024 – mức cao nhất kể từ năm 2011. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh – Trưởng ban Hệ thống tài khoản quốc gia (Cục Thống kê) cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 phản ánh sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế.

Về sản xuất, các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá, nhất là công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 10,1%. Xây dựng tăng mạnh nhờ đầu tư công và bất động sản khởi sắc. Dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú, hành chính công cũng ghi nhận mức tăng hai chữ số.

'Ba tăng tốc' là động lực thúc đẩy kinh tế tăng tốc ảnh 1

Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá, nhất là công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 10,1%.

Một số địa phương ghi nhận mức tăng trưởng trên 10%, như Bắc Giang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc… góp phần quan trọng vào bức tranh tăng trưởng chung của cả nước.

Bà Hạnh nhận định, 6 tháng cuối năm, đầu tư công, tín dụng, tiêu dùng và khoa học – công nghệ sẽ là những động lực trọng yếu giúp kinh tế tăng tốc. Tính đến cuối tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,6% vốn kế hoạch, nhiều địa phương đã giải ngân trên 50% vốn kế hoạch. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giải ngân 100% như kế hoạch đề ra trong cả năm, cần những biện pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Về tín dụng, mục tiêu tăng trưởng 16% trong năm 2025 được hy vọng sẽ cung cấp dòng vốn dồi dào cho sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Đồng thời, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% được tiếp tục áp dụng từ 1/7, chương trình hỗ trợ tiêu dùng theo Nghị định 178 đang góp phần kích cầu nội địa, hướng đến tăng trưởng kinh tế.

Từ những yếu tố này, bà Hạnh dự báo, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể đạt 8,4%, đưa tăng trưởng cả năm lên 8%, với 2 quý cuối năm lần lượt đạt 8,3% và 8,5%.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó với biến động toàn cầu

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, bối cảnh kinh tế thế giới hiện có nhiều biến động, khó lường; cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn diễn ra gay gắt, tác động xấu tới động lực tăng trưởng của kinh tế nước ta.

Việt Nam và Mỹ bước đầu đã đạt thỏa thuận thuế đối ứng ở mức cơ sở 20% áp lên hàng hoá xuất khẩu của nước ta sang Mỹ, đồng thời Việt Nam “mở cửa thị trường” cho hàng hoá Mỹ vào Việt Nam, sẽ tác động nghịch tới thặng dư thương mại hàng hoá của nền kinh tế. Dù vậy, ông Lâm cho rằng, đây cũng là cơ hội, động lực tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất.

'Ba tăng tốc' là động lực thúc đẩy kinh tế tăng tốc ảnh 2

Giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Để GDP đạt từ 8% trở lên trong năm 2025, ông Lâm nhấn mạnh, vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực quan trọng. Trong khi đó, động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng phục hồi chậm, phụ thuộc và có độ trễ so với hoạt động sản xuất.

Đến hết tháng 6/2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,6% vốn kế hoạch, nhiều địa phương đã giải ngân hơn 50% vốn kế hoạch. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giải ngân 100% như kế hoạch đề ra trong cả năm, cần những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Với đầu tư công, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, cần dành ít nhất 30% các dự án cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia. Họ cũng cần cơ hội phát triển, không thể mãi chỉ làm thuê cho các tập đoàn lớn.

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 80% việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân, song vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận vốn và cơ hội thị trường.

TS Nguyễn Bích Lâm cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó với biến động toàn cầu, nhất là duy trì khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ.

Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Ấn tượng mức tăng trưởng hai con số từ Quảng Ngãi
Ấn tượng mức tăng trưởng hai con số từ Quảng Ngãi
Thỏa thuận thuế Việt Nam – Mỹ: Cơ hội chiến lược mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho Việt Nam
Thỏa thuận thuế Việt Nam – Mỹ: Cơ hội chiến lược mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho Việt Nam